Cuối tháng qua, Thành phố Hồ Chí Minh khởi công xây dựng Trung tâm Công nghệ Sinh học với vốn đầu tư 100 triệu USD. Đó là một phát triển đáng chú ý, vì thành phố quan tâm đến việc phát triển một ngành công nghệ được xem là “mũi nhọn” của thế kỉ 21. Trong điều kiện cạnh tranh khoa học, chúng ta thử nhìn sang nước láng giềng là Singapore để xem triển vọng của trung tâm Công nghệ Sinh học ra sao. Bài này tìm câu trả lời cho câu hỏi “giá của một tri thức mới là bao nhiêu”, và đối chiếu với tình hình ở Việt Nam, để thấy chúng ta đang đứng đâu trên thang bậc năng suất khoa học.
Tri thức khoa học
Một tri thức khoa học được “sản xuất” với bao nhiêu tiền? Câu hỏi này tuy đơn giản những khó có đáp số chính xác. Cái khó khăn chính là định nghĩa thế nào là tri thức, và chi phí để sản xuất ra một tri thức được tính toán ra sao, và nên bao gồm những khoản chi phí nào. Một cách đơn giản nhất, tri thức là thông tin mới. Trong khoa học, thông tin mới được “sản xuất” bằng một qui trình đặc thù, từ ý tưởng, đến giả thuyết, đến thí nghiệm, phân tích, và công bố thông tin (kết quả) dưới hình thức một bài báo khoa học. (Ở đây, tôi không bàn đến toán học, vì có ý kiến cho rằng toán học không phải là khoa học). Mỗi khâu trong qui trình đó đều tốn thời gian và tiền bạc. Ngoài ra, các khoản chi phí hỗ trợ cho nghiên cứu như chi phí duy trì phòng lab, phụ tá nghiên cứu, sinh phẩm, v.v… cũng phải tính vào chi phí “sản xuất một bài báo.
Theo cách hiểu vừa mô tả trên, có thể xem bài báo khoa học như là một đơn vị của tri thức. Thật vậy, trong nghiên cứu khoa học, bài báo khoa học được xem là “đơn vị tiền tệ”, và số lượng bài báo khoa học của một quốc gia được xem là một thước đo về lượng kiến thức khoa học của quốc gia đó. Cố nhiên, bài báo khoa học ở đây phải hiểu là các công trình nghiên cứu được công bố trên các tập san khoa học quốc tế có hệ thống bình duyệt (peer review) nghiêm chỉnh, chứ không phải những bài báo khoa học địa phương không qua bình duyệt. Do đó, một cách đơn giản nhất và có lẽ cũng thực tế nhất là xem bài báo khoa học được công bố trên một tập san khoa học quốc tế là một tri thức mới.
Một trong những môi trường lí tưởng để ước tính cái giá cho một tri thức mới là ngành công nghệ sinh học. Công nghệ sinh học là một lĩnh vực nghiên cứu với sự tương tác của nhiều bộ môn khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng, như y học, sinh học phân tử và di truyền học, toán học, khoa học máy tính, v.v… Đây là một ngành khoa học mới, với tốc độ phát triển rất nhanh, và tiềm năng chuyển giao công nghệ nhanh hơn các ngành nghiên cứu cơ bản. Do đó, công nghệ sinh học có lẽ là ngành tiêu biểu để chúng ta có thể ước tính chi phí sản xuất tri thức mới.
Viện sinh học phân tử và tế bào (IMCB)
Viện sinh học phân tử và tế bào ( viết tắt là IMCB – Institute of Molecular and Cell Biology ) của Singapore là một trong những trung tâm nghiên cứu khoa học được thành lập vào năm 1987, trực thuộc trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Viện được chính phủ Singapore ưu ái đầu tư và phát triển thành một trung tâm hàng đầu về công nghệ sinh học trên thế giới. Mười năm sau (1997) IMCB trở thành một viện độc lập, không còn trực thuộc NUS. Những dữ liệu của viện IMCB được công bố trên tập san Scientometrics (1) cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin có ích để hiểu qua quá trình hình thành một viện nghiên cứu nghiêm chỉnh, đẳng cấp quốc tế như thế nào. Những số liệu của bài báo còn cho chúng ta biết cái giá của tri thức khoa học ở mức độ nào.
Thu hút nhân tài. Có thể nói không ngoa rằng, IMCB được hình thành và phát triển như ngày nay là nhờ vào một chiến lược vận động và thu hút nhân tài từ nước ngoài về Singapore. Chris Tan, viện trưởng IMCB, viết một cách chân tình rằng “trong giai đoạn đầu, tôi phải đi lạy lục, vay mượn, thậm chí ‘ăn trộm’ nhân tài từ các nơi trên thế giới” để gầy dựng nên trung tâm như ngày nay.
Năm 1991, sau 4 năm thành lập, ICMB có 114 nhà khoa học. Con số này tăng dần, tuy hơi có chậm, lên 179 vào năm 1996. Hiện nay, IMCB có 9 nhóm nghiên cứu trong viện, bao gồm các nhóm nghiên cứu di truyền, ung thư, bệnh truyền nhiễm, và nghiên cứu ứng dụng. Với vị trí như ngày nay, Viện đã có “khoa hiệu”, và không còn trong tình trạng đi “lạy lục” nhân tài như lúc đầu; ngược lại, có người từ nước ngoài về “đầu quân”. Ông Chris Tan cho biết năm 1997, khi IMCB có 2 vị trí trống, nhưng có đến hơn 100 ứng viên khắp thế giới gửi đơn xin việc.
Năng suất khoa học. Dữ liệu trình bày trong Bảng 1 dưới đây mô tả quá trình phát triển về nhân lực, ngân sách và năng suất khoa học của viện IMCB trong thời gian 1991 – 1996 ( tức trước khi viện trở thành độc lập ). Năm 1991 IMCB có ngân sách cho nghiên cứu chỉ 19,38 triệu Singapore Dollars (SD), và con số này tăng lên 36,37 triệu SD năm 1996, tức tăng 88%.
Bảng 1. Nhân lực, ngân sách, và năng suất khoa học IMCB
Năm |
Số nhà nghiên cứu
|
Ngân sách nghiên cứu (triệu SD)
|
Số bài báo khoa học
|
Chi phí (1000 đôla) cho mỗi bài báo
|
1991 |
116
|
19.38
|
44
|
440.5
|
1992 |
147
|
21.76
|
46
|
473.0
|
1993 |
159
|
25.93
|
54
|
480.2
|
1994 |
165
|
28.81
|
59
|
488.3
|
1995 |
161
|
31.78
|
41
|
775.1
|
1996 |
179
|
36.37
|
61
|
596.2
|
Chất lượng nghiên cứu. Phân tích chất lượng nghiên cứu được trình bày trong Bảng 2. Nói chung, chất lượng nghiên cứu như phản ảnh qua chỉ số ảnh hưởng (impact factor – IF) của IMCB có phần tăng trong thời gian 1991-1996. Tuy nhiên, IF cũng chỉ dao động trong khoảng 5 đến 6, và điều này chứng tỏ chất lượng nghiên cứu của viện vẫn còn trung bình, chứ chưa thể xem là xuất sắc được. Tính trung bình, số lần trích dẫn cho mỗi bài báo là 25 (tính đến năm 1996). Con số này cho thấy nghiên cứu của IMCB có ảnh hưởng, nhưng tầm ảnh hưởng tương đối khiêm tốn, nếu tính thời gian hoạt động 10 năm (từ năm 1987). Có khoảng 8% bài báo chưa bao giờ được trích dẫn, và con số này thấp hơn 20% trong ngành công nghệ sinh học.
Bảng 2. Chất lượng nghiên cứu khoa học
Năm |
Số bài báo khoa học
|
Impact factor trung bình
|
Số lần trích dẫn trung bình
|
Phần trăm bài báo chưa được trích dẫn
|
Số tiến sĩ đào tạo
|
1991 |
44
|
5.20
|
32.8
|
9.1
|
4
|
1992 |
46
|
5.98
|
8.4
|
4.3
|
8
|
1993 |
54
|
6.63
|
34.4
|
9.3
|
3
|
1994 |
59
|
5.09
|
25.5
|
13.6
|
14
|
1995 |
41
|
6.39
|
39.4
|
0.0
|
12
|
1996 |
61
|
6.20
|
25.1
|
8.2
|
3
|
Và trường hợp Việt Nam
Những thành tựu và năng suất khoa học của IMCB vừa trình bày trên đây cần phải đặt trong bối cảnh Việt Nam để chúng ta có cái nhìn về năng suất khoa học nước ta. Trong năm 1996 (tức 14 năm trước), tỉ số bài báo khoa học trên số nhân viên nghiên cứu của IMCB là 0.34. Nói cách khác, họ cần 3 nhân viên để sản xuất một bài báo khoa học.
Theo phân tích của Gs Phạm Duy Hiển, Viện khoa học Công nghệ Việt Nam (VKHCN) công bố được 98 bài báo khoa học trong năm 2007. Năm 2007, VKHCN có 2257 nhân viên (1389 công nhân viên trình độ cử nhân và thạc sĩ, 663 tiến sĩ, và 205 giáo sư / phó giáo sư). Như vậy, tỉ số bài báo khoa học trên số nhân viên là 0.043, hay phải cần đến 23 nhân viên để “sản xuất” một bài báo khoa học (Biểu đồ 1).
Biểu đồ 1. Số cán bộ khoa học cần thiết để "sản xuất" 1 bài báo khoa học của Viện nghiên cứu y khoa Garvan (Úc, 2008), Viện IMCB (Singapore, 1996) và Viện KHCN Việt Nam (2007) |
Tính trung bình, năng suất khoa học của IMCB cao hơn VKHCN gần 8 lần.
Chẳng những kém về số lượng, mà chất lượng nghiên cứu của VKHCN cũng thấp hơn IMCB. Thật vậy, số lần trích dẫn trung bình cho mỗi bài báo của VKHCN là 4.3, trong khi đó chỉ số này của IMCB là 25, cao gấp 6 lần Việt Nam. Tuy nhiên, so sánh này có lẽ chưa công bằng, vì số bài báo khoa học của VKHCN bao gồm các ngành ngoài sinh học, cho nên so sánh số lần trích dẫn chưa hẳn là chính xác. Nhưng một sự khác biệt đến 7 lần thì khó có thể giải thích do ảnh hưởng của văn hóa ngành, mà rất có thể do chất lượng nghiên cứu của VKHCN còn thấp.
Tuy nhiên, công bằng mà nói IMCB vẫn chưa hẳn là một viện đẳng cấp quốc tế. Trong vòng 10 năm, các nhà khoa học IMCB chỉ viết được 3 bài tổng quan. Điều này cho thấy các nhà nghiên cứu của IMCB chưa hẳn đạt được đẳng cấp quốc tế, hay chưa được cộng đồng khoa học quốc tế thật sự công nhận. Cần nói thêm rằng, trung bình một nhà khoa học đẳng cấp quốc tế thường có khoảng 2-3% trong tổng số bài báo khoa học là bài tổng quan được mời viết, còn gọi là “invited review” (2).
Có lẽ kết quả phân tích thú vị nhất là mỗi bài báo khoa học của IMCB tốn 596,200 SD. Rất khó so sánh con số này với Việt Nam, vì chúng ta chưa biết ngân sách nghiên cứu khoa học của VKHCN là bao nhiêu. Tuy nhiên, có thể tạm so sánh với một viện nghiên cứu y sinh học Úc để biết đó là giá đắt hay không đắt. Viện nghiên cứu y khoa Garvan (Úc) năm 2009 công bố 195 bài báo khoa học (với impact factor trung bình là 8.7), và ngân sách cho nghiên cứu là 44.5 triệu đôla Úc. Như vậy, tính trung bình mỗi bài báo của Viện Garvan tốn khoảng 276,000 SD. Do đó, so với Viện Garvan, chi phí sản xuất một tri thức khoa học của IMCB đắt hơn khoảng 2.2 lần.
Tuy nhiên, so sánh về chi phí như trên có lẽ cũng chưa khách quan. Viện Garvan có lịch sử đến 60 năm, đã có cơ sở vật chất dồi dào và vững vàng. Trong khi đó, IMCB mới ra đời chưa chưa đầy 30 năm và có lẽ còn trang giai đoạn xây dựng cơ sở vật chất cho nghiên cứu.
Công nghệ sinh học là một khoa học “mũi nhọn” của thế kỉ 21. Các quốc gia có định hướng kinh tế tri thức đều chú trọng đến đầu tư cho công nghệ sinh học. Nhưng những so sánh trên cho thấy Nhà nước phải chuẩn bị và sẵn sàng đầu tư cho Trung tâm Công nghệ Sinh học ở TPHCM để có thể cạnh tranh với IMCB trong tương lai. Việt Nam chưa có một đội ngũ chuyên gia đẳng cấp quốc tế về công nghệ sinh học, và cũng khó có thể tự xây dựng một đội ngũ như Singapore trong vòng 20 năm nếu không có sự hỗ trợ đắc lực từ nước ngoài. Singapore sẵn sàng đi “lạy lục” và “ăn trộm” nhân tài trên thế giới, nhưng Việt Nam chúng ta và “cơ chế Việt Nam” có sẵn sàng làm như Singapore?
Ý nghĩa
Không cần phải dài dòng lí giải, ai cũng có thể nhất trí rằng nước ta không (hay ít ra là chưa) có khả năng cạnh tranh khoa học với các cường quốc khoa học Âu Mĩ, Singapore, và một cường quốc đang trên đường hình thành như Trung Quốc. Nhưng khía cạnh mà chúng ta có thể cạnh tranh được là chất lượng nghiên cứu khoa học và chuyển giao kết quả để phục vụ cho phát triển kinh tế. Để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, chúng ta cần có những giáo sư và chuyên gia có kinh nghiệm tốt và uy tín cao trên trường quốc tế. Một trong những nguồn nhân lực khoa học đó là các nhà khoa học nước ngoài, nhất là đội ngũ các giáo sư đại học và nhà khoa học gốc Việt hiện đang làm việc tại các nước tiên tiến.
Chúng ta có thể điểm qua kinh nghiệm từ các nước trong vùng xem họ đã thu hút các chuyên gia từ nước ngoài như thế nào, và hi vọng các kinh nghiệm đó sẽ cung cấp cho Việt Nam một vài bài học có ích.
Từ những năm đầu thập niên 1990s, Hàn Quốc đã có một chính sách cụ thể để thu hút các nhà khoa học gốc Hàn Quốc ở các nước Âu Mĩ về nước giảng dạy và nghiên cứu. Ngày nay, khi nói đến sự thành công ngoạn mục của Hàn Quốc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, các giám đốc hãng Samsung, LG và Đại học Quốc gia Seoul đều nhất trí cho rằng chìa khóa thành công của họ là nhờ vào đội ngũ các nhà khoa học Hàn kiều đã góp một phần quan trọng đưa nền công nghệ điện tử và sinh học lên hàng các nước kĩ nghệ tiên tiến.
Cho đến nay, chính sách tuyển mộ các nhà khoa học Hàn kiều của Hàn Quốc vẫn còn tiếp tục và với nhiều hình thức khuyến khích càng ngày càng hấp dẫn hơn. Cũng như nhiều Việt kiều khác, giới khoa học Hàn kiều cũng tỏ ra ngần ngại và thậm chí miễn cưỡng quay về Hàn Quốc làm việc, vì họ phải hi sinh nhiều lợi ích tài chính mà họ đang hưởng ở nước ngoài. Để thu hút những người này, các viện nghiên cứu thuộc Nhà nước và các công ti như Samsung và LG xây hẳn một khu chung cư sang trọng với các tiện nghi hiện đại (kể cả bác sĩ nói tiếng Anh) và trả lương cho các nhà khoa học Hàn kiều cao gấp 3 lần so với lương của người bản xứ. Chỉ trong vòng 2 năm, Viện công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) tuyển dụng 27 giáo sư và nhà khoa học Hàn kiều, và họ được hưởng mức lương lên đến 100.000 USD / năm. Năm 2002, Bộ giáo dục Hàn Quốc, qua chương trình fellowship, tuyển mộ được hơn 100 giáo sư và nhà khoa học Hàn kiều (những người đã có trên 5 năm kinh nghiệm nghiên cứu hậu tiến sĩ) về giảng dạy và nghiên cứu khoa học về công nghệ thông tin và công nghệ sinh học. Trong số này, có đến 65 người được Đại học Quốc gia Seoul đón nhận về công tác.
Ở Trung Quốc, cũng như Hàn Quốc, các nhà lãnh đạo xem đội ngũ khoa học Hoa kiều là một lực lượng quan trọng, một chìa khóa để nâng cao chất lượng giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học. Trong thời gian trên dưới 10 năm nay, Nhà nước Trung Quốc chi ra một ngân khoản lớn để thu hút các giáo sư và nhà khoa học Hoa kiều từ các nước Âu Mĩ về Trung Quốc làm việc. Họ có những đề cương với những qui định cụ thể về lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy và đi kèm theo các khoản lương bổng và ưu tiên quyền lợi cho các nhà khoa học ưu tú gốc Hoa.
Chẳng hạn như trong Đề cương 985 để nâng cao chất lượng giáo dục đại học cho một số trường đại học trọng điểm như Bắc Kinh, Thanh Hoa, Giao Thông, v.v… mà tho đó mỗi trường được tài trợ đến 1 tỉ Nhân dân tệ (tức khoảng 124 triệu USD) cho mục đích này. Để thực hiện việc này, các đại học thiết lập những chương trình nghiên cứu mũi nhọn và “chiêu dụ” các nhà khoa học Hoa kiều về làm việc. Đại học Bắc Kinh mỗi năm tiếp nhận khoảng 30 đến 40 các giáo sư từ nước ngoài, trong số này có một số về làm việc hẳn ở Trung Quốc và một số thì tiêu ra từ 3 đến 12 tháng. Những người về làm việc toàn thời gian được trả lương đến 40.000 USD / năm (lương chính thức của một giáo sư ở Trung Quốc chỉ khoảng 7.200 USD / năm). Nhà nước Trung Quốc thậm chí còn cấp hẳn một Giấy chứng nhận chuyên gia nước ngoài (Foreign Expert Certificate) cho các nhà khoa học này để được hưởng ưu tiên trong các dịch vụ của Nhà nước, kể cả đi lại, nhà ở, và trường học cho con cái.
Tính từ 1998 đến nay, Trung Quốc đã thu hút được 1108 nhà khoa học và 14 chuyên gia về nước công tác; trong số này, có những gương mặt nổi tiếng trên trường quốc tế. Chẳng hạn như năm 2004, Trung Quốc mời được Andrew Chi-chih Yao (giáo sư khoa học máy tính thuộc Đại học Princeton) về Trung Quốc thành lập một trung tâm nghiên cứu máy tính tại Đại học Thanh Hoa. Đại học Bắc Kinh mời được Tian Gang (một nhà toán học hàng đầu của Mĩ tại Viện công nghệ Massachusetts – MIT) về nước để thiết lập một trung tâm nghiên cứu toán học. Kể từ khi thu hút Hoa kiều về giảng dạy và nghiên cứu, nhiều đại học hàng đầu ở Trung Quốc càng ngày càng nâng thời lượng giảng dạy bằng tiếng Anh, và dựa vào hệ thống tín chỉ của Mĩ, đặc biệt là số lượng ấn phẩm khoa học trên các tập san quốc tế, để đề bạt các chức danh giáo sư (chứ không còn dựa vào thâm niên như trước đây). Một số trường thậm chí còn có qui định rằng nếu một giảng viên mà sau 6 năm vẫn chưa đạt tiêu chuẩn phó giáo sư thì sẽ được “mời” nghỉ việc.
Hồng Kông, trước khi được trả về cho Trung Quốc, có một lịch sử lâu dài về việc tuyển dụng các giáo sư và nhà khoa học nước ngoài. Thật ra, phần lớn (trên 90%) các giáo sư đại học Hồng Kông hoặc là người nước ngoài, hoặc là Hoa Kiều, hoặc là người Hồng Kông được đào tạo từ các đại học Âu Mĩ. Trước đây, các trường đại học Hồng Kông có chính sách khá rộng rãi và thông thoáng cho các giáo sư nước ngoài (như trả lương tương đương với nước ngoài, tạo điều kiện cư trú ổn định như cấp nhà hay cho thuê nhà với giá thấp, cấp vé máy bay đi và về thăm nhà mỗi năm 2 lần, v.v…). Sau khi Hồng Kông được trả về cho Trung Quốc, do chính sách mới, một số lớn các giáo sư này bỏ Hồng Kông và các trường đại học Hồng Kông trải qua một thời gian suy giảm năng suất khoa học thấy rõ. Nhận thức được vấn đề, chính phủ mới lại mời các giáo sư quay lại làm việc! Năm 2006, chính phủ Hồng Kông vừa triển khai một chương trình thu hút nhân tài Hoa kiều từ nước ngoài. Họ dự tính sẽ thu hút khoảng 1000 đến 2000 nhà khoa học và giáo sư trong vòng hai năm. Họ còn dành ưu tiên đặc biệt cho các nhà khoa học được bổ nhiệm là quyền được đem theo người thân gia đình định cư tại Hồng Kông.
Ở Đài Loan, Nhà nước nhận thức rõ yếu tố thành công của kĩ nghệ điện tử Đài Loan trong hai thập niên qua là nhờ vào lực lượng Hoa kiều ở Mĩ, nên họ có hẳn một chương trình dài hạn và dành hẳn một ngân quĩ quốc gia cho các giáo sư thỉnh giảng và nhà khoa học ưu tú từ nước ngoài vào làm việc tại các trung tâm nghiên cứu và đại học hàng đầu ở Đài Loan.
Ở Thái Lan, tôi được biết một số đại học hàng đầu thiết lập hẳn những “làng giáo sư”, mà trong đó cư dân chỉ là những giáo sư Thái Lan và giáo sư nước ngoài cùng gia đình của họ cư ngụ trong các villa hoặc biệt thự, với hệ thống điện thoại và internet miễn phí. Giáo sư cấp càng cao có nhà càng to và càng tiện nghi. Con của các giáo sư cũng được đi học miễn phí, thậm chí đưa đón cũng miễn phí. Mỗi khi một giáo sư công bố được một bài báo khoa học trên tập san quốc tế, họ được thưởng bằng tiền mặt và hiện vật. Giáo sư công bố được nhiều bài được nâng cấp lên ở nhà kiểu biệt thự; ngược lại, nếu năng suất khoa học kém sẽ bị … xuống cấp. Có lẽ một chính sách như thế đã góp phần đưa Thái Lan thành một trong những nước có thành tựu khoa học đứng vào hàng số 2 ở Đông Nam Á (chỉ sau Singapore).
Tôi nghĩ một hình thức “làng khoa bảng” như Thái Lan và Hàn Quốc cũng rất cần được tham khảo trong môi trường Việt Nam để thu hút các chuyên gia trong và ngoài nước góp phần nâng cao vị thế khoa học của nước ta trên trường quốc tế.
Tham khảo:
1. Chu Keong Lee. A scientometric study of the research performance of the Institute of Molecular and Cell Biology in Singapore. Scientometrics 2003; 56:95-110.
2. Woodward AM, Hensman S. Citations to review serial. J Documentation 1976; 32:2903.
0 comments:
Post a Comment