Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Tài nguyên nước vừa có đơn đề nghị các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đánh giá lại tác động môi trường của hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trước khi xây dựng.
Trong Quy hoạch phát triển điện quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 7 năm nay, một số dự án thủy điện gây ra nhiều tranh cãi trong giới khoa học, trong đó có dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
Theo các nhà khoa học, sự phát triển ồ ạt của các công trình thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai trong những năm qua đã tác động tới tài nguyên nước và đa dạng sinh học của các vùng đầu nguồn sông Đồng Nai trong tình trạng báo động. Trong khi chưa có bản đánh giá đầy đủ về tác động môi trường từ công trình thủy điện ở đây.
Do đó, các nhà khoa học đã gửi đơn kiến nghị yêu cầu đánh giá lại toàn diện những tác động môi trường, xã hội của hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, xây dựng và hoàn thiện chương trình quản lý môi trường với các giải pháp công khai cho công chúng, các bên liên quan được biết.
Họ cũng đề nghị dừng lại các hoạt động cấp phép đầu tư xây dựng hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A để chờ kết quả đánh giá tác động môi trường sau đó mới quyết định tiếp tục triển khai hay không.
Ngoài ra, để đảm bảo tính khách quan, các nhà khoa học yêu cầu phải thành lập một hội đồng tư vấn quốc gia để thực hiện nhiệm vụ giám sát và đánh giá tính khả thi của hai dự án thủy điện Đồng Nai.
Theo các nhà khoa học, thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ tác động lớn tới Vườn quốc gia Cát Tiên. (Ảnh: Luxury Travel)
Trong hội thảo về Quản lý tổng hợp rừng đầu nguồn và khu vực sông Đồng Nai vừa qua, hầu hết các nhà khoa học đồng tình nên xem xét tiến hành điều tra, đánh giá tác động môi trường một cách khách quan, khoa học.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, đại học Cần Thơ cho rằng không nên xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. "Bản báo cáo đánh giá tác động môi trường của hai dự án này là Công ty cổ phần tập đoàn Đức Long Gia Lai rất sơ sài, thiếu căn cứ, chưa đánh giá hết tác động tiêu cực đến môi trường", tiến sĩ Tuấn nói.
Cũng theo tiến sĩ Tuấn, hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A xây dựng sẽ làm ảnh hưởng đến Bàu Sấu - khu Ramsar (khu dự trữ sinh quyển ngập nước) nằm trong vườn quốc gia Cát Tiên. Các tổ chức quốc tế sẽ xem xét và có thể rút lại quyết định công nhận khu Ramsar. Mặt khác, danh hiệu khu dự trữ sinh quyển vườn quốc gia Cát Tiên được UNESCO công nhận năm 2001 cũng có thể bị xem xét lại.
Bà Phạm Thị Cẩm Nhung, điều phối viên chính sách của tổ chức WWF, cho biết xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A là xâm phạm đến Vườn quốc gia Cát Tiên và các khu rừng nguyên sinh, làm xáo trộn cuộc sống của loài động vật quý hiếm ở đây.
Để giải quyết nhu cầu năng lượng, tiến sĩ Tuấn cho rằng không nhất thiết cứ phải phát triển thủy điện, mà cần tận dụng nguồn thay thế như điện hạt nhân, năng lượng mặt trời.
Trong quy hoạch khai thác bậc thang thủy điện sông Đồng Nai được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2002, dự kiến công trình thủy điện Đồng Nai 6 có công suất lắp máy 180MW, sản lượng điện bình quân 773,6 triệu kWh/năm, diện tích bị ngập gần 2.000 ha, trong đó 732 ha thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên, phần còn lại thuộc rừng phòng hộ 2 tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, phải di dời 3 công trình công cộng và 33 hộ dân.
Giữa năm 2007, Tập đoàn Đức Long Gia Lai xin đầu tư dự án này. Quá trình nghiên cứu, lựa chọn phương án tối ưu đã thay đổi dự án thành công trình thủy điện 2 bậc thang mang tên Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A với tổng công suất 241 MW, tổng mức đầu tư gần 5.700 tỷ đồng, tổng sản lượng điện gần 1 tỷ kWh/năm.
|
Theo Vnexpress |
Monday, September 26, 2011
Dự án thủy điện Đồng Nai bị giới khoa học "mổ xẻ"
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment