Giống như kịch bản của Hollywood: Một phòng thí nghiệm tạo ra một loại virus mà đi đến đâu sẽ giết chết một nửa số người mắc phải đến đó. Viễn cảnh ấy có thể vô tình sẽ thành sự thật, khi các nhà nghiên cứu Hà Lan đã tạo ra chúng trong phòng thí nghiệm.
Theo tạp chí New Scientist, khi nghiên cứu virus cúm gia cầm H5N1, chuyên gia Ron Fouchier và cộng sự, từ Trung tâm y khoa Erasmus ở Rotterdam (Hà Lan) đã thành công trong việc tạo ra các đột biến cho loại virus này, biến chúng trở thành chủng mới có thể dễ dàng lây truyền giữa động vật với động vật, mà vẫn giữ nguyên đặc tính chết người như "bà mẹ nguyên thủy".
Mục đích của nhóm là để nghiên cứu phản ứng của virus cực độc, và từ đó tìm ra cách ngăn ngừa đại dịch.
H5N1 đã được biến đổi gene để có thể lây truyền giữa các con chồn sương - loài vật có đáp ứng với bệnh cúm tương tự như con người. Điều đáng nói là, khi lây truyền giữa các con chồn, nhóm nghiên cứu phát hiện chúng đã đột biến để có thể lây truyền trong không khí. Cho đến nay, đây vẫn là điểm yếu của các loại virus, khiến chúng chưa trở thành đại dịch được.Cùng lúc, một nghiên cứu khác tại đại học Wisconsin (Mỹ) cũng tuyên bố cho ra kết quả tương tự trong phòng thí nghiệm.
Bằng công trình này, các nhà khoa học đã "làm thay tự nhiên" để tặng cho chúng đôi cánh phá hoại đó.
Tạp chí Science mô tả chủng virus mới này là "có thể thay đổi lịch sử thế giới nếu chúng được phóng thích tự do". Cho tới nay, virus H5N1 đã nhiễm cho hơn 500 người ở hơn chục quốc gia và đã cướp đi sinh mạng của khoảng 60% trong số đó.
Chính vì thế, sáng chế nói trên, theo huffingtonpost, đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của giới khoa học. Nhiều chuyên gia cho rằng chưa chắc đó là ý tưởng hay, thậm chí có người e ngại vi khuẩn cực độc này có thể vô tình phát tán ra ngoài, và trở thành thảm họa toàn cầu.
"Thật là một sáng kiến tồi tệ khi các nhà khoa học biến một loại virus chết người thành một loại có độc lực ghê gớm hơn nữa. Và ý tưởng tồi tệ thứ hai là công bố chúng để rồi người khác có thể copy công thức này", tiến sĩ Thomas Inglesby, giám đốc và là CEO của Trung tâm An ninh Sinh học tại Đại học Pittsburgh, nhận định.
Trong khi một số chuyên gia khác cho rằng "công trình này là rất quan trọng", chẳng hạn, kết quả nghiên cứu cho thấy những ai đang coi thường nguy cơ của đại dịch H5N1 cần phải nghĩ lại.
Trước tình hình đó, Cơ quan Dịch vụ Sức khỏe và Con người Mỹ đã đưa hành động chưa có tiền lệ là yêu cầu hai nhóm nghiên cứu này không công bố chi tiết quá trình họ đã tạo ra virus độc trên các tạp chí lớn như Science và Nature, bởi lo ngại phần tử xấu sẽ lợi dụng nó để trở thành bom sinh học.
T. An
0 comments:
Post a Comment