Monday, July 29, 2013

Con người đã cấy ghép được ký ức giả vào bộ não

Các nhà khoa học vừa thành công trong việc cấy ký ức giả vào não của loài chuột, khiến chúng tin vào việc trải qua những sự việc chưa từng xảy ra.


Nhóm nghiên cứu đến từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã chứng minh, họ có thể biến khoa học viễn tưởng thành sự thật, ít nhất ở chuột. Công trình của họ gợi nhắc đến cốt truyện của bộ phim giả tưởng "Inception" (phụ đề phim tại Việt Nam là "Đánh cắp giấc mơ") của Hollywood năm 2010, trong đó, nhân vật "gián điệp thần kinh", do tài tử Leonardo DiCaprio thủ vai, được thuê để cấy ghép suy nghĩ vào tâm trí của ai đó.

Trong thực tế, việc tạo ra một ký ức giả còn được gọi là quá trình "gieo mầm ý tưởng vào tiềm thức". Các nhà khoa học MIT đã bắt đầu thử nghiệm quá trình này ở chuột bằng cách cho chúng vào một chiếc hộp tạo cảm giác an toàn.

Nhóm nghiên cứu sau đó tập trung vào các tế bào não, nơi lưu trữ ký ức của các con chuột về vị trí hiện tại của chúng và lập trình cho những tế bào này "bật mở ký ức" khi có ánh sáng. Ngày tiếp theo, họ cho các con chuột vào một chiếc hộp thứ hai và sử dụng các xung ánh sáng để tái kích hoạt ký ức của ngày trước đó.

Trong khi ký ức được tái hiện, các nhà nghiên cứu cho những con chuột trải qua sốc điện nhẹ. Đúng như kỳ vọng, việc sốc điện đã làm thay đổi ký ức của những con vật thí nghiệm, khiến chúng trở nên hoảng sợ khi được đưa trở về hộp an toàn ban đầu. Tình trạng này xảy ra bất chấp việc các con chuột không phải chịu thêm bất kỳ sốc điện nào ở chiếc hộp này.

Theo nhóm nghiên cứu, kết quả thu được đồng nghĩa với việc ký ức của các con chuột về chiếc hộp an toàn đầu tiên đã bị thay đổi để gắn nó với việc bị sốc điện. Nói một cách khác, một ký ức giả đã được cấy ghép vào bộ não chuột thành công. Các thí nghiệm cũng ám chỉ rằng, ký ức giả và thật cùng kích hoạt nhiều vùng não giống nhau, gây khó khăn trong việc phân biệt.

Nhóm nghiên cứu hy vọng, công trình của họ sẽ giúp hé lộ cách các ký ức giả hình thành trong bộ não người. Điều này có thể hữu ích tại các phòng xử án, nơi những ký ức nhầm lẫn của nhân chứng có thể dẫn tới các phán quyết sai lầm.

Do sự khác biệt rất lớn giữa người và chuột nên các chuyên gia tin, ít có khả năng kỹ thuật trên có thể bị khai thác để khiến ai đó tin mình là một thực thể khác hoặc tẩy xóa những ký ức đau buồn. Tuy nhiên, nó có thể được ứng dụng cho những thao túng nhỏ hơn, chẳng hạn như khiến những người nghiện hút thuốc quên mình từng "ghiền" thuốc lá.

Tuấn Anh(Theo Daily Mail, BBC)

Saturday, July 20, 2013

Cây ngô, kỹ thuật thâm canh tăng năng suất


        Ngô là loại cây lương thực nuôi sống gần 1/3 số dân trên toàn thế giới. Bên cạnh giá trị lương thực, cây ngô còn là cây thức ăn gia súc quan trọng. 70% chất tinh trong thức ăn hỗn hợp là từ ngô. Cây ngô còn là thức ăn xanh và ủ chua rất tốt cho chăn nuôi gia súc lớn, đặc biệt là bò sữa. Những năm gần đây cây ngô còn là loại cây thực phẩm được ưa chuộng. Người ta dùng bắp ngô bao tử để làm rau cao cấp...

Link download: Cây ngô, kỹ thuật thâm canh tăng năng suất 
Pass: blogsinhhoc

Loài sâu mọc lại đầu sau khi đứt với bộ não nguyên vẹn

Qua nghiên cứu, loài sâu này có thể tái sinh lại phần đầu bị đứt, đặc biệt hơn là nó vẫn giữ nguyên trí nhớ trong bộ não mới.
Các nhà nghiên cứu ở trường ĐH Tufts (Mỹ) đã xác định được một loài sâu nhỏ màu vàng được biết đến là sâu Planarian, vốn đã được nghiên cứu rất lâu về các đặc tính tái sinh của nó. Qua đó, các nhà khoa học nhận thấy, loài sâu này có thể tái sinh lại phần đầu bị đứt nhưng điểm đặc biệt là nó vẫn giữ nguyên trí nhớ trong bộ não mới.

Loài sâu Planarian


Theo đó, sau khi loài sâu này bị cắt đứt lìa đầu, phần cơ thể còn lại sẽ tái sinh một bộ não mới và có thể học lại các kỹ năng bị mất một cách nhanh chóng.

Các nhà khoa học đã kiểm tra bộ nhớ của loài sâu Planarian bằng cách đo khoảng thời gian chúng tiếp cận thức ăn trong môi trường có kiểm soát. Mặc dù loài sâu nhỏ này không thích những không gian mở và nhiều ánh sáng, nhưng nó được tập để làm quen với điều đó và dần tiến về chỗ có thức ăn.

Ngay cả sau khi bị cắt lìa đầu, những con sâu đã trải qua quá trình luyện tập vẫn có thể vượt qua nỗi sợ hãi về không gian, ánh sáng. Chúng bắt đầu ăn và ăn nhanh hơn nhiều so với những con sâu chưa được đào tạo. Tuy nhiên, trí nhớ không quay trở lại ngay lập tức. Chúng vẫn cần phải có sự nhắc lại những kiến thức trước đó đã được học bởi nó không chỉ được học một bài học duy nhất.


Lý do để giải thích cho vấn đề này tới nay vẫn chưa thực sự rõ ràng. Bộ não của loài sâu Planarian kiểm soát hành vi của chúng, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng, một phần trí nhớ của chúng còn được lưu trữ ở đâu đó trên cơ thể. Có thể, bộ não của sâu Planarian đã điều chỉnh hệ thống thần kinh của chúng và hệ thống này sau đó ảnh hưởng đến quá trình hình thành bộ não mới khi cái đầu mọc lại.

Hiện, các nhà nghiên cứu vẫn tiến hành nhiều thí nghiệm để tìm hiểu và lý giải cách mà loài sâu Planarian khôi phục bộ nhớ của chúng. Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Experimental Biology.

Theo Trithuctre, The Verge

Monday, July 8, 2013

Biển Trung Quốc bị tảo bao phủ gần 29.000km2

Vùng biển Hoàng Hải của Trung Quốc đang bị tảo xâm lấn với một tốc độ cực kỳ nhanh, với gần 29.000km2 bị tảo bao phủ, theo các quan chức đại đương Trung Quốc ngày 4/7.
Các hình ảnh cho thấy những người đi tắm biển bơi lội và chơi đùa trong làn sóng xanh ở Thanh Đảo - không phải xanh biển như thông thường, mà là màu xanh lá cây của tảo. Trong khi đó, các xe ủi đất hoạt động liên tục để đưa hàng tấn tảo đi tiêu hủy.


Tảo bao phủ một khu vực tắm biển công cộng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông - (Ảnh: AFP)


Ảnh chụp từ trên cao cho thấy một khu vực lớn ở vùng biển Thanh Đảo bị tảo bao phủ - (Ảnh: AFP)

Trên trang web của mình, Cục Quản lý đại dương Trung Quốc cho biết loài tảo này có tên khoa học là Enteromorpha prolifera. Nó đã xuất hiện cách đây một tuần và hiện lây lan đến một khu vực rộng 28.900km2.
Lần tảo xuất hiện lớn nhất trước đây là vào năm 2008, khi chúng lan rộng ra một vùng biển rộng 13.000km2.
Tân Hoa xã dẫn lời các quan chức Thanh Đảo cho biết đã loại bỏ được khoảng 7.335 tấn tảo.

Việc tảo xuất hiện thường có nguyên nhân do sự phong phú của các chất dinh dưỡng trong nước, đặc biệt phốt pho.

Trung Hoa nhật báo trích lời giáo sư Bao Xianwen từ Đại học Hải dương Trung Quốc nói: “Phải có thứ gì đó khiến môi trường biển thay đổi, nhưng hiện nay chúng tôi chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng về việc này”.

Các loại tảo không độc hại và không gây hại đến chất lượng nước. Tuy nhiên, sự có mặt của chúng dẫn đến sự mất cân bằng trong hệ sinh thái thông qua việc tiêu thụ một lượng lớn oxy và tạo ra hydrogen sulphide.
Theo Tuổi Trẻ