Blog sinh học: Gần đây, vấn đề tụt hậu khoa học đã thu hút sự chú ý của nhiều diễn đàn báo chí. Nhiều ý kiến xoay quanh số ấn phẩm khoa học của Việt Nam trên các tập san khoa học quốc tế còn thấp, trong khi Việt Nam có nhiều giáo sư và tiến sĩ hơn so với các nước trong vùng Đông Nam Á. Một trong những lí do các nhà khoa học Việt Nam ít có công bố quốc tế là vì các công trình của họ bị các tập san khoa học từ chối. Là người bình duyệt và biên tập cho một số tập san khoa học qua nhiều năm, tôi thu thập được một số kinh nghiệm và thông tin về số phận những bài báo khoa học bị từ chối. Trong bài này, tôi sẽ giải thích và phân tích những lí do bài báo khoa học bị từ chối, và hi vọng góp một phần vào việc nâng cao sự hiện diện của khoa học Việt Nam trên trường quốc tế trong tương lai. Bài này thật ra là viết lại từ bài giảng ở Đại học Y tế Công cộng hôm 10/1/2013 mà các bạn có thể xem qua video.
Cũng như bất cứ hoạt động xã hội nào, nghiên cứu khoa học phải có sản phẩm. Bài báo khoa học là “sản phẩm” của một công trình nghiên cứu khoa học. Để đánh giá sự thành bại của một công trình, người ta thường xem xét đến bài báo khoa học đã được công bố ở đâu. Các cơ quan tài trợ cho nghiên cứu xem việc công bố kết quả là một nghĩa vụ của nhà nghiên cứu, bởi vì họ nhận tài trợ từ tiền thuế của người dân, và do đó phải có trách nhiệm báo cáo cho người dân biết số tiền đó đã dẫn đến kết quả nào.
Xin nói thêm rằng ở nước ngoài, người ta không có “nghiệm thu” công trình khoa học như ở Việt Nam; thay vào đó, các cơ quan tài trợ đánh giá sự thành công của một công trình nghiên cứu khoa học qua những bài báo đã được công bố trên các tập san có uy tín trên thế giới. Tốt hơn nữa, nếu nghiên cứu có ứng dụng, thì sản phẩm thực tế hay bằng sáng chế cũng là một thước đo quan trọng để đánh giá công trình nghiên cứu.
Nhưng trong thực tế, và như là một qui luật, phần lớn những bài báo khoa học bị từ chối công bố. Tỉ lệ từ chối có thể dao động trong khoảng 50% đến 99%, tuỳ theo tập san và thời gian. Tập san có uy tín cao thường có tỉ lệ từ chối cao. Những tập san lâu đời và có ảnh hưởng lớn trong khoa học như Science, Nature,Cell, hay trong y khoa như New England Journal of Medicine, Lancet, JAMA, mỗi năm nhận được khoảng 6000 đến 8000 bài báo khoa học, nhưng tỉ lệ từ chối lên đến 90% hoặc 99%. Ngược lại, những tập san nhỏ và chuyên ngành thường có hệ số ảnh hưởng thấp, thì tỉ lệ từ chối chỉ khoảng 50% đến 60%. Những tập san địa phương có vẻ dễ dải hơn, với tỉ lệ từ chối chỉ 20 hay 30%.
Quyết định từ chối thường xuất phát từ ban biên tập và các chuyên gia bình duyệt. Nhưng rất nhiều trường hợp tác giả không biết tại sao bài báo của mình bị từ chối, vì ban biên tập cũng không giải thích lí do cụ thể. Tuy nhiên, những ai từng phục vụ trong ban biên tập thì biết khá rõ những lí do từ chối, vì mỗi năm tập san đều có tổng kết hoạt động và nhà xuất bản thường báo cáo chi tiết số bài báo nhận được, tỉ lệ từ chối, và lí do từ chối.
Qui trình xuất bản
Để hiểu lí do bài báo bị từ chối, cần phải hiểu về bản chất của tập san và qui trình xuất bản khoa học. Tập san khoa học (scientific journals) khác với tạp chí phổ thông (scientific magazine). Tạp chí phổ thông, như tên gọi, có chức năng chủ yếu là cung cấp những thông tin khoa học cho công chúng, với văn phong đơn giản để đại đa số công chúng có thể hiểu được những nét chính trong công trình nghiên cứu khoa học. Các tập san khoa học là những diễn đàn khoa học có chức năng chính là chuyển tải và chia sẻ thông tin khoa học trong giới làm nghiên cứu khoa học, nên văn phong và cách trình bày rất đặc thù và có khi khó hiểu. Các tạp chí không có cơ chế bình duyệt (peer review), nhưng các tập san khoa học nghiêm túc thì có cơ chế bình duyệt mà theo đó bài báo trước khi được công bố phải qua vài giai đoạn kiểm tra và duyệt xét về ý tưởng, phương pháp, và cách diễn giải.
Qui trình để xuất bản một bài báo khoa học cũng khá phức tạp. Đầu tiên là tác giả soạn bài báo khoa học và đệ trình đến một tập san. Ban biên tập khi nhận được sẽ xem qua một cách nhanh chóng, và nếu thấy chưa đạt yêu cầu sẽ từ chối công bố trong vòng 1 tuần; nếu thấy đạt yêu cầu và có tiềm năng, họ sẽ gửi cho 2 hoặc 3 chuyên gia bình duyệt. Các chuyên gia bình duyệt sẽ đọc và đánh giá bài báo, viết báo cáo gửi cho tổng biên tập của tập san, với một trong những đề nghị như (a) cho công bố không cần sửa; (b) cho công bố những cần sửa chút ít; (c) cho công bố nhưng sửa nhiều hay viết lại; hay (d) từ chối. Chỉ một trong 3 chuyên gia bình duyệt đề nghị từ chối thì khả năng bài báo sẽ bị từ chối lên rất cao. Có nhiều trường hợp bài báo phải trải qua 3 lần bình duyệt, và tốn rất nhiều thời gian (trên 12 tháng) nhưng cuối cùng có khi vẫn bị từ chối!
Nhìn qua qui trình trên, dễ dàng thấy bài báo khoa học bị từ chối ở 3 giai đoạn: ban biên tập, bình duyệt, và tái bình duyệt. “Nguy cơ” bị từ chối rất khác nhau giữa các giai đoạn, và giữa các tập san. Một nghiên cứu trên tập san British Medical Journal (một trong những tập san y khoa hàng đầu thế giới), trong giai đoạn 1 (tức ban biên tập), tỉ lệ từ chối khoảng 50% những bài báo gửi đến, mà không gửi ra ngoài để bình duyệt. Giai đoạn 2, sau khi gửi đi cho các chuyên gia bình duyệt, thì vẫn bị từ chối khoảng 45%. Ngay cả ở giai đoạn 3 là tái bình duyệt, xác suất bị từ chối là khoảng 5%.
Lí do từ chối: ban biên tập
Lí do từ chối bài báo trong giai đoạn 1 có thể liệt kê vào 3 nhóm chính: không thích hợp tập san, thiếu cái mới hay chẳng có ảnh hưởng, và vấn đề trình bày dữ liệu và ngôn ngữ.
Không thích hợp cho tập san là lí do ban biên tập từ chối rất nhanh. Tập san khoa học có đẳng cấp riêng trong chuyên ngành, và đẳng cấp này có thể phân biệt qua hệ số ảnh hưởng (impact factor, viết tắt là IF). Tập san có IF cao cũng có nghĩa là có ảnh hưởng lớn, và những tập san này chỉ công bố những công trình quan trọng. Nếu công trình nghiên cứu không phải thuộc vào loại “đột phá” thì không nên gửi cho các tập san như Science và Nature, mà nên xem xét đến các tập san chuyên ngành.
Mỗi tập san có một thành phần độc giả chủ đạo, và họ phải đáp ứng nhu cầu của độc giả. Tập san y học lâm sàng khác với tập san chuyên về nghiên cứu cơ bản. Cũng là cùng ngành tim mạch, nhưng có tập san ưu tiên công bố những công trình nghiên cứu cơ bản, và có tập san tập trung vào những vấn đề thực hành lâm sàng. Do đó, nếu là nghiên cứu dịch tễ học về bệnh tim mạch thì không nên gửi cho tập san Journal of Molecular and Cellular Cardiology, mà nên xem xét đến tập san [ví dụ như] American Heart Journal.
Thiếu cái mới. Nói chung, ban biên tập ưa chuộng công bố những nghiên cứu có cái mới về phương pháp, cách tiếp cận, kết quả, cách diễn giải, v.v. Những công trình nghiên cứu “me too” (tức lặp lại hay bắt chước nghiên cứu trước đây) sẽ khó có cơ hội công bố trên các tập san có tiếng. Những nghiên cứu mà câu trả lời hay kết quả chẳng có ảnh hưởng gì đến chuyên ngành, chẳng gây tác động gì đến chính sách công hay thực hành lâm sàng cũng khó có cơ hội được công bố.
Vấn đề ngôn ngữ. Có khá nhiều bài báo có nội dung tốt, nhưng vì cách trình bày lượm thượm, thiếu tính logic, vẫn bị từ chối. Một số bài báo bị từ chối vì lí do tiếng Anh quá kém, như sai ngữ pháp, sai văn phạm, thậm chí đánh vần sai. Trong thời đại điện tử và vi tính, mà đánh vần sai tiếng Anh trong một bài báo khoa học là tín hiệu cho thấy tác giả cẩu thả, hoặc thiếu tôn trọng người đọc, nên dễ bị từ chối.
Lí do từ chối: chuyên gia bình duyệt
Nếu bài báo đã qua giai đoạn 1 (ban biên tập), thì bản thảo sẽ được gửi cho 2 hay 3 chuyên gia trong chuyên ngành để phê bình và xét duyệt. Các chuyên gia bình duyệt là những người người bán nặc danh, chỉ có ban biên tập mới biết họ là ai. Chuyên gia bình duyệt biết tác giả là ai, nhưng tác giả không biết các chuyên gia này là ai, chỉ biết rằng họ là những chuyên gia có uy tín trong chuyên ngành. Do đó, trong cuộc "đối phó" các chuyên gia bình duyệt, tác giả ở vị thế tương đối khó khăn. Điều này nói lên rằng tác giả cần phải hết sức cẩn thận và khách quan trong cách trình bày bài báo, hoặc trả lời bình duyệt sao cho lịch sự, không tấn công cá nhân, để không gây ấn tượng xấu với các đồng nghiệp bình duyệt.
Các chuyên gia bình duyệt sẽ có 1-3 tháng để báo cáo cho ban biên tập, và trong báo cáo có phần đề nghị chấp nhận hay bác bỏ bài báo. Trong báo cáo đó, các chuyên gia bình duyệt phải nói lí do tại sao họ đi đến quyết định chấp nhận hay từ chối bài báo. Xem qua những lí do mà các chuyên gia bình duyệt từ chối bài báo có thể tóm lược trong 4 nhóm chính:
- Tầm quan trọng và thiếu cái mới của công trình nghiên cứu
- Phương pháp và thiết kế nghiên cứu
- Cách trình bày dữ liệu và cách viết
- Diễn giải kết quả nghiên cứu
Tầm quan trọng và thiếu cái mới trong công trình nghiên cứu là lí do hàng đầu (80% bài báo bị từ chối vì lí do này). Có nhiều nghiên cứu mà đọc xong bài báo, người đọc chỉ chặc lưỡi thầm “chẳng có gì quan trọng”, hay nói một cách dân gian là “không mợ thì chợ vẫn đông”. Đó là những bài báo có kết quả nhưng kết quả chẳng có ảnh hưởng gì đến chính sách công, chẳng tác động gì đến chuyên ngành. Thiếu tính ứng dụng cũng là một lí do để từ chối, nhưng quan trọng hơn là thiếu cái mới. Nghiên cứu không có gì mới rất khó công bố trên các tập san quốc tế.
Phương pháp. Một nghiên cứu về lí do từ chối trên 25 nhà khoa học từng đoạt giải Nobel y sinh học, 67 tổng biên tập và 50 chuyên gia bình duyệt của các tập san y sinh học cho ra nhiều kết quả thú vị. Kết quả phân tích cho thấy 71% bài báo bị từ chối là do thiết kế nghiên cứu có vấn đề. Những khiếm khuyết về cách tiếp cận, thiết kế nghiên cứu, phương pháp đo lường, qui trình thực hiện, phân tích dữ liệu, v.v. thường được nhắc đến như là những lí do từ chối.
Một nghiên cứu khác cũng cho thấy những vấn đề liên quan đến phương pháp nghiên cứu là một trong những lí do bị từ chối nhiều nhất. Bảng 1 dưới đây thống kê những lí do bị từ chối phổ biến nhất. Gần 3/4 bài báo bị từ chối là do khiếm khuyết về phương pháp nghiên cứu và phương pháp luận.
Bảng 1: Lí do bài báo khoa học bị từ chối công bố
Một số lí do chính
|
Phần trăm
|
Phương pháp và phương pháp luận
|
74.3
|
Tầm ảnh hưởng thấp hay không có ảnh hưởng
|
60.3
|
Văn phong
|
58.4
|
Tổng quan tài liệu
|
50.9
|
Phân tích dữ liệu
|
42.1
|
Cấu trúc bài báo
|
34.6
|
Chất lượng nghiên cứu và tính nghiêm túc
|
30.0
|
Lấy mẫu
|
29.2
|
Phần kết luận
|
27.6
|
Phần bàn luận
|
25.2
|
Tài liệu tham khảo
|
23.6
|
Về trình bày dữ liệu, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến bài báo bị từ chối đăng: trình bày dữ liệu không đầy đủ (32%), có mâu thẫn giữa các dữ liệu trình bày (25%) và không cung cấp đầy đủ chi tiếtt về phương pháp nghiên cứu (25%). Về cách viết, các khoa học không ưa cách viết sử dụng từ ngữ hoa mĩ và sáo rỗng (ít thông tin), hoặc cách viết dùng những từ “đao to búa lớn” mà không có ý nghĩa cụ thể. Khoảng 43% bài báo với những từ ngữ như văn chương chính trị bị từ chối công bố. Ngoài ra, diễn đạt ý tưởng không khúc chiết (21%) và câu văn thừa (11%) cũng là những nguyên nhân bị từ chối.
Địa phương chủ nghĩa?
Phần lớn các tập san khoa học -- dù là trụ sở đặt ở Mĩ hay Âu châu, hay trực thuộc các hiệp hội khoa học của Mĩ hay Âu châu -- mang tính quốc tế, hiểu theo nghĩa ban biên tập nhận bài từ tất cả các nhà khoa học trên thế giới. Câu hỏi đặt ra là có sự khác biệt nào về tỉ lệ từ chối giữa các nước hay không.
Theo thống kê của các tập san y khoa lớn như New England Journal of Medicine, JAMA, không có khác biệt lớn về tỉ lệ từ chối giữa các nước Mĩ (hay nói tiếng Anh) và ngoài Mĩ. Năm 2000, 25% trong tổng số bài báo JAMA nhận được xuất phát từ các nước ngoài Mĩ, và tỉ lệ từ chối là 95%. Tỉ lệ từ chối các bài báo từ Mĩ của JAMA là 93%. Tập san New England Journal of Medicine cho biết trong tổng số bài báo tập san nhận được hàng năm, 1/2 đến từ các nước ngoài Mĩ. Trong tổng số các bài báo được chấp nhận cho đăng trên New England Journal of Medicine, 1/3 có nguồn gốc ngoài Mĩ.
Tuy nhiên, đối với các tập san chuyên ngành thì có sự khác biệt lớn giữa các nước ngoài Mĩ và Mĩ. Chẳng hạn như tập san Circulation Research (chuyên về tim mạch, hệ số ảnh hưởng ~10), mỗi năm họ nhận được khoảng 2000 bài báo từ khắp các nước trên thế giới, nhưng chủ yếu từ Mĩ (44%), Âu châu (31%), Nhật (6%), và Á châu (9%, không kể Nhật). Tỉ lệ từ chối chung là 85%, không khác mấy so với tỉ lệ từ chối các bài báo từ Hàn Quốc (88%), Đài Loan (91%). Riêng Trung Quốc, có đến 99% bài báo gửi cho tập sanCirculation Research bị từ chối vì chất lượng quá kém và tiếng Anh chưa đạt.
Một phân tích thú vị khác của tập san American Journal of Roentgenology (IF ~4) cho thấy một “bức tranh” toàn cục thú vị (Bảng 2). Trong thời gian từ 2003 đến 2005, tập san này nhận được 5242 bài báo khoa học từ khắp nơi trên thế giới, nhưng chủ yếu từ Mĩ (43%), Nhật (11%), Hàn Quốc (9%), Đức (5%), và Canada (4%). Tuy nhiên, tỉ lệ bài báo được chấp nhận cho đăng dao động lớn giữa các nước. Trong số 2252 bài báo từ Mĩ, 72% được chấp nhận cho công bố, và trong tổng số 2990 bài báo ngoài Mĩ, tỉ lệ được chấp nhận là 60%. Nước có tỉ lệ chấp nhận thấp nhất là Ấn Độ, với chỉ 27% bài báo được công bố. Phân tích chi tiết theo ngôn ngữ mẹ đẻ, thì trong số 2684 bài báo từ các nước nói tiếng Anh (Mĩ, Canada, Anh, Úc) tỉ lệ chấp nhận cho công bố là ~71%. Trong số 2558 bài báo xuất phát từ những nước không nói tiếng Anh, tỉ lệ chấp nhận chỉ 60%.
Bảng 2. Số lượng bài báo nộp và tỉ lệ chấp nhận cho công bố trong thời gian 2003 – 2005 trên tập san American Journal of Roentgenology
|
Nước
|
Số lượng bài báo nộp
|
Tỉ lệ chấp nhận (%)
|
Mĩ
|
2252
|
72
|
Nhật
|
578
|
58
|
Hàn Quốc
|
457
|
65
|
Đức
|
263
|
68
|
Canada
|
198
|
61
|
Thổ Nhĩ Kì
|
189
|
42
|
Anh
|
174
|
68
|
Pháp
|
153
|
62
|
Ý
|
152
|
59
|
Đài Loan
|
131
|
46
|
Trung Quốc
|
123
|
58
|
Thụy Sĩ
|
110
|
75
|
Áo
|
94
|
73
|
Tây Ban Nha
|
90
|
64
|
Ấn Độ
|
79
|
27
|
Hà Lan
|
73
|
70
|
Do Thái
|
66
|
62
|
Úc
|
60
|
55
|
Nguồn: Ehara S, Takahashi K. Am J Roentgen 2007;188:W113-6
|
Những bài học
Biết được lí do bài báo bị từ chối cũng là một cách học. Học để nâng cao xác suất được chấp nhận của bài báo kế tiếp cao hơn. Nếu những phân tích trên đây cung cấp một thông điệp chính, tôi nghĩ đó là vấn đề ý tưởng và phương pháp. Đừng phí thì giờ cho những ý tưởng làng nhàng tủn mủn, vì những nghiên cứu như thế sẽ chẳng dẫn tác giả đi đến đâu trong khoa học. Ý tưởng hay mà phương pháp không thích hợp cũng khó có cơ may được công bố. Sau đây là vài bài học mà tôi nghĩ có thể rút ra từ những phân tích trên:
Thứ nhất là khi có ý tưởng làm nghiên cứu, cần phải chú trọng đến cái mới. Cái mới ở đây không chỉ về ý tưởng, mà có thể là cái mới về phương pháp nghiên cứu (dù ý tưởng không mới), cái mới về kết quả và cách trình bày, và cái mới trong cách lí giải kết quả nghiên cứu. Thiếu những cái mới này thì nghiên cứu chỉ là một dạng “me too”, tức chỉ hoàn toàn bắt chước người khác từ A đến Z. Nếu là nghiên cứu “me too” thì rất khó được chấp nhận cho công bố trên các tập san có uy tín cao, hay dù có cơ hội được công bố thì tập san cũng thuộc vào loại làng nhàng, dưới trung bình.
Rất nhiều nghiên cứu y khoa từ VN thiếu cái mới, vì chỉ lặp lại những gì người khác đã làm. Một số người chỉ muốn theo đuổi những đề tài dễ, vì hoặc là thiếu kinh phí, hoặc là không dám mạo hiểm theo đuổi những đề tài gai góc. Tình trạng này khá phổ biến, nhất là ở những nghiên cứu sinh vì thời gian có hạn và cũng chẳng được tài trợ, nên họ chọn những đề tài rất nhỏ và không quan trọng (mà theo tiêu chuẩn học thuật thì chưa chắc xứng đáng văn bằng tiến sĩ). Môt số khác thì không được thầy cô hướng dẫn tốt, nên họ phải “tự bơi” bằng cách làm theo lối mòn, vì họ sợ nếu làm cái gì mới sẽ bị thầy cô trách mắng. Trong nhiều trường hợp, chính thầy cô cũng chỉ làm theo lối mòn cũ, vì hoặc không cập nhật kiến thức, hoặc sợ hội đồng duyệt đề tài bác bỏ. Bản thân các thành viên trong hội đồng duyệt đề tài cũng chỉ làm quen với những ý tưởng nhỏ, chấp vá, hay thậm chí chưa có kinh nghiệm làm nghiên cứu khoa học, nên họ trở nên tủn mủn và … bảo thủ. Trong cái vòng tròn luẩn quẩn như thế, rất khó để các nhà khoa học VN có công trình công bố trên các tập san quốc tế.
Thứ hai là cần chú trọng đến phương pháp nghiên cứu. Trong nghiên cứu thực nghiệm, thiết kế và phương pháp đóng vai trò cực kì quan trọng. Thiết kế nghiên cứu không thích hợp, thì dữ liệu có thể không có giá trị khoa học cao, và không có cơ may công bố trên các tập san có uy tín cao. Chẳng hạn như một công trình nghiên cứu y khoa thiết kế theo mô hình có yếu tố thời gian và có nhóm chứng lúc nào cũng có giá trị khoa học hơn là một công trình không có nhóm chứng. Trong nghiên cứu y học, phương pháp sai thì kết quả cũng sai hay không có giá trị cao. Ví dụ như nếu nghiên cứu về bệnh tiểu đường hay dinh dưỡng mà không có các đo lường về lượng mỡ bằng phương pháp DXA thì dữ liệu khó mà xem là có giá trị khoa học cao.
Trong một phân tích về những công trình nghiên cứu y khoa ở trong nước trước đây, tôi phát hiện rất nhiều sai sót về phương pháp nghiên cứu (research method) và phương pháp luận (methodology). Những sai sót này thường là cách thiết kế nghiên cứu không thích hợp, qui trình sai, phương pháp phân tích còn nhiều sai lầm, vi phạm giả định khoa học, v.v. Ngay cả tài liệu hướng dẫn nghiên cứu khoa học lưu hành trong các đại học cũng còn nhiều điểm cần phải xem xét lại, vì chưa phù hợp chuẩn mực quốc tế và chịu ảnh hưởng bởi một chuyên ngành. Với những sai sót như thế, các nghiên cứu từ Việt Nam rất khó có cơ may được xuất hiện trong các diễn đàn khoa học quốc tế.
Thứ ba là cách trình bày. Bài báo khoa học là một văn bản khó hiểu, bởi văn phong thường được viết rất ngắn và cô đọng. Nhưng nếu tác giả chọn cách viết dài dòng như viết tiểu thuyết thì đó là một cách chuốc lấy thất bại trong khoa học. Điều này có ý nghĩa với chúng ta, người Việt Nam, vì chúng ta hay chịu ảnh hưởng của thơ văn trong cách viết bài báo khoa học.
Nhiều tập san khoa học trong nước có cách trình bày … chẳng giống ai, chẳng theo một thông lệ khoa học nào cả. Tác giả có thể trình bày theo ý mình, và do đó dẫn đến tình trạng “trăm hoa đua nở”. Điều này làm cho người đọc cảm thấy những bài báo nghiên cứu trong nước rất hời hợt và thiếu tính khoa học. Còn các tập san khoa học quốc tế có qui định rất chặt chẽ về cách trình bày dữ liệu, cách viết, thậm chí cách trình bày tài liệu tham khảo. Nếu bài báo không tuân thủ theo các qui định của tập san thì chắc chắn sẽ bị từ chối.
Thứ tư là cần thạo tiếng Anh. Phần lớn (90%) các tập san quốc tế, dù là tập san ở các nước Bắc Âu hay châu Á Thái Bình Dương đều sử dụng tiếng Anh. Có thể nói không ngoa rằng tiếng Anh đã trở thành một ngôn ngữ của cộng đồng khoa học. Đối với các nhà khoa học Việt Nam, tiếng Anh là một vấn đề lớn, vì phần lớn các nhà khoa học không thạo tiếng Anh. Rất nhiều nhà khoa học Việt Nam biết tiếng Anh, có thể đọc, nghe, và viết, nhưng phần lớn chưa ở trình độ có thể viết một bài báo khoa học hoàn chỉnh. Ngay cả những nghiên cứu sinh đã theo học các đại học nói tiếng Anh ở nước ngoài cũng chưa đủ khả năng để soạn một bài báo khoa học mà không cần đến sự hỗ trợ về ngôn ngữ.
Rất khó tìm một bài báo y khoa được công bố trên các tập san ở trong nước viết đúng tiếng Anh! Nhưng như chúng ta thấy qua các dữ liệu trên, tiếng Anh là một rào cản đáng kể (nhưng không phải là rào cản duy nhất hay lớn nhất) đối với các nhà khoa học ngoài các nước nói tiếng Anh. Do đó, nhà khoa học cần phải tiếng Anh, và các đại học / viện nghiên cứu nên tổ chức nhiều khóa học về cách viết bài báo khoa học bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, tiếng Anh không phải là nguyên nhân chính để từ chối một công trình nghiên cứu có chất lượng cao. Ngược lại, tiếng Anh “văn hay chữ tốt” cũng không thể bù đấp được những khiếm khuyết về cái mới và phần thiết kế cũng như phương pháp nghiên cứu.
Từ chối là một cơ hội!
Thật ra, bài báo bị từ chối có khi là một cơ hội tốt. Theo một phân tích mới đây, những bài báo bị từ chối sau khi được chỉnh sửa lại thường được công bố trên những tập san có ảnh hưởng cao. Do đó, không nên buồn khi thấy công trình của mình bị từ chối, mà nên xem đó là một cơ hội để làm tốt hơn và hay hơn.
Nói tóm lại, các kết quả phân tích trên đây cho thấy khuyết điểm phổ biến nhất và cũng là nguyên nhân thông thường nhất dẫn đến quyết định từ chối một bài báo khoa học nằm ở phần phương pháp. Điều này có lẽ cũng không khó hiểu, bởi vì nếu phương pháp sai thì kết quả sẽ sai, các bàn luận và kết luận cũng có thể sai. Mà, sai sót về phương pháp thì không sửa được (vì nghiên cứu đã làm rồi). Không có tập san khoa học nào muốn công bố một bài báo khoa học với nhiều sai sót, nên quyết định từ chối những bài báo do khiếm khuyết về phương pháp là điều hoàn toàn có thể đoán được.
Bộ Khoa học và Công nghệ mới ra chính sách mới, mà theo đó công bố quốc tế sẽ được lấy làm một thước đo năng lực nghiên cứu khoa học. Chiến lược khoa học 2011-2020 viết rằng “tăng số lượng công bố quốc tế từ các đề tài sử dụng ngân sách nhà nước trung bình 15-20%/năm. Mục tiêu thứ năm lại ghi rõ đến năm 2020 hình thành 60 tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đạt trình độ khu vực và thế giới.” Đây là một thách thức đáng kể cho giới khoa học Việt Nam, bởi càng ngày việc công bố khoa học càng khó khăn vì sự cạnh tranh toàn cầu giữa các nhà khoa học để có tiếng nói.
Trong khi chúng ta có kế hoạch gia tăng số ấn phẩm khoa học, thì các nước trong vùng đã bỏ xa chúng ta. Năm 2012, các nhà khoa học VN công bố được 1630 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế. Con số này chỉ bằng 30% của Thái Lan, 22% của Mã Lai, và 17% của Singapore. Những con số trên đây cho thấy năng suất khoa học Việt Nam còn rất khiêm tốn, nhất là trong điều kiện 9500 giáo sư và phó giáo sư cùng 24 ngàn tiến sĩ. Nếu mỗi 2 giáo sư công bố 1 bài báo khoa học, và mỗi 4 tiến sĩ công bố 1 bài báo khoa học, thì mỗi năm VN có khoảng 10,000 bài báo khoa học. Do đó, con số công bố quốc tế hiện nay của VN có thể hiểu như là tương đương với 16% tiềm năng khoa học.
Nhưng những con số trên chưa nói đến một thực tế đáng báo động khác: vấn đề lệ thuộc. Phần lớn (70%) những công trình của VN là do hợp tác với nước ngoài. Có lĩnh vực như y khoa, tỉ lệ hợp tác với nước ngoài lên đến 80%. Hợp tác khoa học là điều cần thiết và cần khuyến khích, nhưng nếu 80% công trình nghiên cứu là do hợp tác thì có thể xem đó là một chỉ số về nội lực yếu kém, hay nói thẳng hơn là lệ thuộc. Điều này cho thấy ngay từ bây giờ VN cần phải xây dựng nội lực khoa học tốt hơn để cạnh tranh với các nước trong vùng và trên thế giới.
Để xây dựng nội lực, cần có những chính sách lâu dài hơn và có hệ thống hơn liên quan đến con người. Rất cần lập những quĩ dành cho các nhà khoa học trẻ (mới xong tiến sĩ) để gửi họ ra nước ngoài tiếp tục nghiên cứu trong giai đoạn hậu tiến sĩ. Đối với những nhà khoa học có triển vọng (không khó nhận ra những người này) cần có những tài trợ đặc biệt cho họ. Tài trợ phải để họ đủ lương bổng mà không phải lo đến chuyện “cơm áo gạo tiền” hay phải chạy sô “xoá đói giảm nghèo”. Nói tóm lại, chúng ta cần phải lập ra quĩ dành cho những nhà khoa học tinh hoa (elite) và cho phép họ độc lập trong nghiên cứu và sử dụng ngân sách khoa học. Khoa học bắt đầu từ con người có tài, và không có lí do gì mà xã hội không nuôi dưỡng những nhân tài.
Blog sinh học (Theo N.V.T)
|