Wednesday, January 4, 2012

Nuôi tinh trùng trong phòng thí nghiệm

Giới khoa học đã tạo được đột phá gây chấn động có thể giúp sớm nuôi được tinh trùng của người trong phòng thí nghiệm.


Các nhà nghiên cứu Đức và Israel cho hay đã có thể tạo nên tinh trùng chuột từ tế bào mầm, nhóm tế bào trong tinh hoàn chịu trách nhiệm sản sinh tinh trùng, theo báo Telegraph.

Nuôi tinh trùng trong phòng thí nghiệm
Trưởng nhóm Stefan Schlatt, giáo sư Đại học Muenster (Đức), khẳng định bước tiến trên mở ra cơ hội cho những người đàn ông vô sinh cuối cùng có thể làm cha, thay vì phải sử dụng tinh trùng hiến tặng như trước nay.
Các chuyên gia đã nuôi tinh trùng bằng cách bỏ tế bào mầm vào hợp chất đặc biệt gọi làthạch aga, nhằm tạo ra môi trường tương tự như trong tinh hoàn.
Giáo sư Mahmoud Huleihel, người cũng đã nuôi được tinh trùng tại Đại học Ben Gurion (Israel), dự đoán trong tương lai gần, giới khoa học sẽ tìm được cách nuôi tinh trùng người từ chiết xuất tế bào mầm và kích thích chúng phát triển dưới sự giám sát của các chuyên gia.
Kết quả nghiên cứu quan trọng này đã được đăng trên chuyên san uy tín Nature, và làm dấy lên hy vọng nhân loại cuối cùng sẽ sớm tìm được câu trả lời nan giải cho chứng vô sinh ở đàn ông.
Theo Thanh Niên

Ngô biến đổi gene đang mất tác dụng

Ngô biến đổi gene – giống cây được tạo ra để kháng lại các loài sâu bệnh – có thể đang mất hiệu quả khi sâu bệnh có thể thích nghi với giống cây mới.


Thu hoạch ngô ở Mỹ
Thu hoạch ngô ở Mỹ
Khi được giới thiệu vào năm 2003, giống ngô Bt có vẻ đã đáp ứng đúng mơ ước của người nông dân: mang lại mùa màng bội thu trong khi đòi hỏi ít hoá chất hơn vì bản thân nó đã tạo ra chất độc để tiêu diệt sâu bọ. Giống ngô lai này nay đã chiếm tới 65% diện tích trồng ngô trên khắp nước Mỹ. Thế nhưng chỉ qua vài mùa hè, sâu ăn rễ đã lại sinh sôi nhanh chóng ở rễ ngô Bt trồng tại nhiều khu vực thuộc 4 bang miền trung tây nước Mỹ. Điều này cho thấy côn trùng đang làm mất đi đặc tính kháng sâu bọ của giống ngô Bt.
Công ty Mosanto đã tạo ra giống ngô Bt bằng cách cấy gene của loài sâu đất Bacillus thuringiensis vào ngô. Chất kháng côn trùng được sinh ra tự nhiên mà không làm hại đến con người và gia súc. Quá trình sâu ăn rễ sẽ phát triển khả năng kháng lại độc tố sinh ra do gene này đã diễn ra nhanh hơn tốc độ mà các nhà khoa học nghĩ tới.
Theo Đất Việt

"Thực phẩm tình yêu" sẽ đắt hơn do biến đổi khí hậu

Giá chocolate có thể tăng vọt trong tương lai do hiện tượng ấm lên toàn cầu khiến sản lượng cacao giảm.
Chocolate là loại thực phẩm ngọt nổi tiếng toàn thế giới. Người ta coi chocolate là món quà ngọt ngào, thể hiện cho tình yêu.

Một nghiên cứu tại các đồn điền ca cao ở Bờ Biển Ngà và Ghana - hai nước cung cấp khoảng một nửa sản lượng ca cao của thế giới - cho thấy nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng thêm 2,3 độ C trong khoảng thời gian từ nay tới năm 2050, sản lượng cao cao trung bình có thể giảm tới một nửa, The Economic Times đưa tin.
Ông Peter Laderach, một nhà nghiên cứu của Trung tâm Nông nghiệp - Nhiệt đới Quốc tế tại Colombia, phát biểu: "Chocolate chắc chắn sẽ đắt hơn nhiều nếu nhu cầu tiêu thụ tăng cao trong khi sản lượng ca cao ngày càng giảm do biến đổi khí hậu. Thực trạng đó có thể khiến chocolate dần trở thành món hàng xa xỉ".
Cây ca cao được trồng nhiều ở khu vực Tây Phi do điều kiện phù hợp về khí hậu và thổ nhưỡng. Khí hậu mát mẻ là điều kiện lý tưởng để ca cao phát triển mạnh. Tuy nhiên, đưa cây ca cao lên vùng đất cao - nơi có thời tiết thuận lợi hơn - là điều khó khăn vì địa hình Tây Phi khá bằng phẳng.
Ngoài chocolate, một số sản phẩm khác cũng sẽ trở nên đắt hơn do sự thay đổi của khí hậu là rượu vang Pháp và mì ống Italy.
Theo Vnexpress

Sản xuất hóa chất và nhiên liệu sinh học từ sinh khối gỗ

Đại học Aalto Phần Lan đã đưa ra phương pháp sử dụng vi khuẩn để sản xuất butanol thích hợp dùng cho nhiên liệu sinh học và các hóa chất công nghiệp khác từ sinh khối gỗ.
Butanol rất thích hợp để sử dụng làm nhiên liệu vận tải vì nó không hòa tan trong nước và có hàm lượng năng lượng cao hơn etanol.
Cho đến nay, để sản xuất butanol, các nguyên liệu thô thường được dùng là tinh bột và đường mía. Nhưng, trong nghiên cứu của Đại học Aalto, các nhà khoa học lại chỉ sử dụng lignoxenlulo còn gọi là sinh khối gỗ.
Bước đột phá nữa trong nghiên cứu là sự kết hợp thành công bột giấy mới với công nghệ sinh học. Ngành lâm nghiệp tiên tiến của Phần Lan mở ra các cơ hội đặc biệt thuận lợi để phát triển loại hình xử lý sinh học này.

Sản xuất hóa chất và nhiên liệu sinh học từ sinh khối gỗ
Sinh khối gỗ được tạo thành từ 3 chất chủ yếu đó là xenlulo, hemixenlulo và chất gỗ (lignin). Trong đó, xenlulo và hemixenlulo có thể được sử dụng làm nguồn dinh dưỡng cho vi khuẩn trong xử lý sinh học.
Cùng với xenlulo, quy trình Kraft hiện áp dụng trong quá trình nghiền bột tạo ra chất lỏng màu đen đã được sử dụng như một nguồn năng lượng. Tuy nhiên, chất lỏng này lại không phù hợp với vi khuẩn.
Trong nghiên cứu, quy trình nghiền bột đã được thay đổi nên ngoài xenlulo, các loại đường khác vẫn còn nguyên và có thể được dùng làm nguyên liệu thô cho vi khuẩn.
Khi sinh khối gỗ được đun sôi trong hỗn hợp nước, rượu và sunfua dioxit, tất cả các thành phần của gỗ đó là xenlulo, hemixenlulo và chất gỗ được tách thành các phần nhỏ. Xenlulo được xùng để sản xuất giấy, nanoxelulo hoặc các sản phẩm khác, trong khi hemixenlulo là nguyên liệu thô có hiệu quả dành cho vi khuẩn sản xuất hóa chất. Do đó, lợi ích của quy trình mới là không có thành phần nào của đường gỗ bị bỏ đi.
Theo các quy định của EU, đến năm 2020, tất cả các nhiên liệu phải chứa 10% nhiên liệu sinh học. Lợi ích của butanol là một tỷ lệ lớn (hơn 20% butanol) có thể được bổ sung vào nhiên liệu mà không cần phải thay đổi các động cơ đốt trong hiện có.
Phát thải nito và cacbon từ hỗn hợp nhiên liệu chứa hơn 20% butanol thấp hơn nhiều so với các nhiên liệu hóa thạch. Ví dụ, đốt cháy không hết etanol trong một động cơ sinh ra các hợp chất dễ bay hơi làm gia tăng mùi khó chịu cho môi trường.
Kết quả nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí khoa học như Bioresource Technology. Công nghệ mới đã được cấp sáng chế.
Theo TCHĐKH