Gia sư tiếng anh - Tin học

Gia sư tiếng anh - Tin học

Dạy tin học ngoại ngữ mọi trình độ, đặc biệt dạy cấp tốc cho người đi làm, xuất cảnh, luyện thi chứng chỉ quốc gia A,B,C…

Gia sư tiếng anh - Tin học
Gia sư theo lớp

Gia sư theo lớp

Trung tâm gia sư Bình Minh tại tphcm nhận dạy tại nhà các lớp từ 1-12

Gia sư theo lớp
Gia sư theo môn

Gia sư theo môn

Toán – Lý – Hóa – Sinh – Văn – Sử – Địa – Ngoại Ngữ (Anh Hoa Pháp Nhật) – Tin Học – Nhạc- Họa …

Gia sư theo môn
Gia sư theo quận

Gia sư theo quận

Quận 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Quận Gò Vấp,Tân Bình,Tân Phú,Bình Thạnh,Phú Nhuận,Thủ Đức, Bình Tân

Gia sư theo quận

Wednesday, October 12, 2011

Nghiên cứu mới nhất cho thấy, acid béo omega-3 không làm khỏe tim như người ta vẫn tin lâu nay.
Sau khi nghiên cứu hơn 3.000 người, các nhà khoa học Hà Lan và Mỹ phát hiện việc dùng một lượng lớn omega-3 có tên alpha-linolenic acid (ALA) không đem lại lợi ích gì cho hệ tim mạch.

Nguyên nhân thứ nhất là do việc gọi tên, dán nhãn. Có 2 loại acid béo omega-3: loại chuỗi dài (có trong cá) thực sự tốt cho tim, còn loại chuỗi ngắn (có trong thực vật) không có tác dụng rõ ràng. Nhiều nhà sản xuất thực phẩm chứa omega-3 không nêu rõ sự khác biệt này.
Nguyên nhân thứ hai là có những dân tộc thường xuyên ăn cá (chứa nhiều omega-3) nên việc thừa mứa loại acid này trong cơ thể không phát huy tác dụng tăng cường hệ tim mạch.

Nguyên nhân thứ ba là một số nghiên cứu tập trung vào việc phòng đau tim ở người khỏe mạnh, trong khi một số nghiên cứu khác liên quan người đã bị bệnh tim. Vì vậy, đôi lúc có kết quả nghiên cứu trái ngược về tác dụng của omega-3 đối với tim.

Các nhà khoa học khuyên, nếu có vấn đề tim mạch thì nên dùng thuốc (chống cao huyết áp, hạ mức cholesterol…) theo chỉ định của bác sĩ.

Nếu dùng omega-3 tự nhiên trong cá thì nên ăn vừa phải vì cá biển chứa thủy ngân không tốt cho tim. Nên ăn cá hồi vì chúng ít thủy ngân mà lại giàu omega-3.

Thạch Vũ (Theo LiveScience)
Posted by Unknown


Một loại cây mới có khả năng gieo hạt của chính mình đã được tìm thấy ở Bahia, đông bắc Brazil, một trong những khu vực đa dạng sinh thái nhất thế giới.
Loài cây nhỏ nhắn chỉ cao vài cm có hoa hình ngôi sao với màu hồng trắng mọc ở sân sau của một nhà thực vật học không chuyên gốc Nga tên Alex Popovkin và người phát hiện ra nó là một trong những phụ tá của ông này là Jose Carlos Mendes Santos.
Phát hiện cây tự gieo hạt ở Brazil
Ông Santos đã liên hệ với các chuyên gia sinh học ở nhiều nước để nhờ hỗ trợ nghiên cứu loài cây mới.
Loài cây trên được đặt tên Spigelia genuflexa do sự thích nghi khác thường của nó. Sau khi đậu quả, những cành có quả uốn cong xuống rồi đặt những quả nang chứa hạt xuống nền đất, và đôi khi vùi chúng dưới lớp rêu mềm. Cách thức này đảm bảo các hạt nói trên nảy mầm và phát triển thành cây gần cây “mẹ” chúng vào mùa tiếp theo.
Tiến sĩ Lena Struwe, chuyên gia sinh vật học tại Đại học Rutgers ở bang New Jersey, cho biết loài cây Spigelia genuflexa có thể đã phát triển khả năng gieo hạt vì nhiều lý do.
“Về loài cây này, rất có thể do nó có thời gian tồn tại ngắn (chỉ vài tháng) và sống trong những phạm vi môi trường thích hợp, cây mẹ được xem là thành công nhất nếu nó gieo hạt sát bên mình, hơn là thả chúng bay xa vào những môi trường không thích hợp”, bà Struwe nói với hãng tin BBC.
Thêm một điều thú vị là do cây tồn tại chỉ trong một mùa, cây mẹ sẽ không cạnh tranh với các cây con của mình, vốn có thể là vấn đề đối với những những loài cây sống dài ngày hơn. Bà Struwe nói, một số ít loài cây khác tiến hóa theo cách này để có thể sống sót trên những vách đá, bằng cách đặt hạt vào những khe hở an toàn, và cũng để tránh những loài động vật ăn hạt.
Theo bà Struwe, khám phá trên chứng tỏ trong thiên nhiên vẫn còn nhiều loài cây chưa được đặt tên và công nhận. Nó cũng cho thấy nhu cầu bức thiết phải bảo vệ và bảo tồn những khu vực còn lại của rừng Đại Tây Dương, một trong những nơi có sự đa dạng sinh học lớn nhất thế giới, trước bàn tay của những kẻ phá rừng.
Phát hiện của ông Popovkin được công bố trên chuyên san PhytoKeys số mới nhất.
Theo Thanh Niên
Posted by Unknown

“Đàn ông có thể có một nguồn tế bào gốc đầy tiềm năng nằm giữa… 2 chân của họ!”. Các nhà khoa học Mỹ vừa phát hiện, tinh hoàn có thể là nguồn tế bào gốc để từ đó, tạo ra tế bào não, bắp thịt, máu… Hứa hẹn nhiều ứng dụng trong y khoa về sau.
Tao te bao goc tu tinh hoan
Tế bào gốc dạng phôi của chuột. Các chuyên gia Mỹ đã tìm ra trong tinh hoàn chuột một loại tế bào gốc có thể biến thành tế bào của não, bắp thịt, máu và ngay cả mạch máu nữa. (Ảnh: www.nsf.gov)
Trong một nghiên cứu trên chuột, các nhà khoa học Mỹ phát hiện được một loại tế bào gốc của tinh hoàn có thể trở về trạng thái tế bào gốc dạng phôi, tức là có khả năng phát triển thành nhiều loại tế bào khác nhau của cơ thể.
Là một phần của những nỗ lực quốc tế trong việc phát triển tế bào gốc mà không dùng đến phôi, nghiên cứu này được thực hiện bởi tiến sĩ Marco Seandel, chuyên gia tế bào gốc của Viện Y khoa Howard Hughes, và các cộng sự từ 2 trường đại học Harvard và Weill Cornell ở Mỹ.
Với khám phá mới này, các nhà khoa học hy vọng sẽ tạo ra được nguồn tế bào gốc dạng phôi từ tinh hoàn để phục vụ cho mục đích trị bệnh cho con người. Nhóm nghiên cứu nói vui rằng đàn ông có thể có một nguồn tế bào gốc đầy tiềm năng nằm giữa… 2 chân của họ.
Biến thành tế bào máu, não và bắp thịt
Trong nghiên cứu này – được thực hiện trong suốt 10 năm qua – các chuyên gia đã tìm ra trong tinh hoàn chuột một loại tế bào gốc có thể được điều chỉnh để phát triển thành các tế bào não, bắp thịt, máu và cả mạch máu nữa.
Nhóm nghiên cứu đã khám phá được 1 loại protein đặc thù chỉ có trong một lượng rất nhỏ tế bào gốc của tinh hoàn chuột có khả năng trở về trạng thái tế bào gốc dạng phôi. Chính protein này là chỉ dấu sinh học giúp các chuyên gia phát hiện được những tế bào gốc đầy tiềm năng đó.
Theo nhóm nghiên cứu, một ngày nào đó, các bệnh nhân nam sẽ có thể trông cậy vào tinh hoàn của chính mình như là một nguồn tế bào gốc để cứu chữa tim hay thận bị thương tổn, hoặc để khắc phục các thiệt hại ở não do các bệnh Alzheimer hay Parkinson gây ra.
Tiến trình khai thác tế bào gốc dạng phôi từ tinh hoàn chuột bắt đầu từ việc trích xuất một mẫu mô nhỏ của tinh hoàn, giống như trường hợp lấy mẫu sinh thiết vậy.
Không đưa những gien mới vào tế bào gốc như trong những nghiên cứu khác, tiến sĩ Seandel và các cộng sự đã đưa các tế bào gốc của tinh hoàn chuột vào một môi trường phát triển đặc biệt, từ đó những tế bào này sẽ trở về trạng thái của tế bào gốc dạng phôi, tức là có thể phát triển thành nhiều loại tế bào khác nhau, chứ không chỉ tế bào tinh trùng mà thôi.
Trong nghiên cứu này, các chuyên gia đã biến tế bào gốc của tinh hoàn chuột thành các tế bào của não, máu, mạch máu và bắp thịt. Hiện nay, nhóm nghiên cứu đang cố gắng tìm hiểu vì sao các tế bào gốc của tinh hoàn chuột có khả năng trở về trạng thái tế bào gốc dạng phôi. Họ cho rằng việc xác định được cơ chế này sẽ giúp phát triển khả năng đó cho các tế bào gốc ở các bộ phận khác của cơ thể.
Theo tiến sĩ Marco Seandel, tế bào gốc dạng phôi có khả năng phát triển để trở thành hơn 250 loại tế bào đặc thù cho nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể.
Tìm kiếm tế bào gốc tương tự ở người
Tao te bao goc tu tinh hoan
Tế bào gốc đang được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Các nhà khoa học hy vọng sẽ tạo ra được nguồn tế bào gốc dạng phôi từ tinh hoàn để sử dụng trong điều trị bệnh tật. (Ảnh: AFP)
Sau khi thử nghiệm thành công trên chuột, nhóm nghiên cứu đang xúc tiến việc tìm kiếm những tế bào gốc có khả năng tương tự ở con người.
Tiến sĩ Shahin Rafii, thuộc Đại học Y khoa Weill Cornell và là đồng tác giả của nghiên cứu này, cho biết: “Tất nhiên là vẫn còn không ít khó khăn. Chúng tôi phải cố gắng tìm ra những tế bào gốc như thế ở con người, và đồng thời phải khám phá được cơ chế của việc tế bào gốc của tinh hoàn trở về trạng thái tế bào gốc của phôi”.
Theo tiến sĩ Seandel, khai thác tế bào gốc dạng phôi từ tinh hoàn là một lĩnh vực nghiên cứu rất thực tế, vì tinh hoàn là cơ quan sản xuất ra tinh trùng, và khi tinh trùng gặp trứng thì việc thụ thai sẽ xảy ra, từ đó tạo nên một cơ thể có đầy đủ các bộ phận hoàn chỉnh.
Theo nhóm nghiên cứu, tế bào gốc của tinh hoàn có cường độ hoạt động rất mạnh: một người đàn ông bình thường có thể sản sinh ra 40.000 tinh trùng mỗi giây.
Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học muốn khai thác những công dụng lớn lao của tế bào gốc dạng phôi để sửa chữa các mô hay bộ phận bị hư hại của cơ thể, nhưng việc khai thác đó đang là một vấn đề gây tranh cãi, bởi vì việc lấy tế bào gốc từ phôi sẽ làm cho phôi bị phá hủy.
Do đó, qua nghiên cứu này, các chuyên gia hy vọng sẽ tạo ra được nguồn cung cấp tế bào gốc dạng phôi từ tinh hoàn để sử dụng trong việc điều trị nhiều bệnh khác nhau, như tiểu đường, đột quỵ, Alzheimer (một dạng sa sút trí tuệ ở người cao tuổi), Parkinson (bệnh liệt rung) và một số bệnh ung thư.
  • Quang Thịnh (Theo Globe and Mail, Science Daily, BBC)
Posted by Unknown

Có thể nói công nghệ bóc tách tế bào gốc từ màng dây rốn và dây rốn do GS – BS Phan Toàn Thắng phát hiện có ý nghĩa rất lớn trong sử dụng tế bào gốc vào nghiên cứu và điều trị, bởi vì nó gần như là câu trả lời cho tất cả những khó khăn và trở ngại của công nghệ tế bào gốc hiện hành.
GS Phan Toan Thang va cong nghe tach te bao goc
Dưới đây là buổi trò chuyện với giáo sư Phan Toàn Thắng xung quanh việc ứng dụng công nghệ mới mẻ này vào cuộc sống.
Giáo sư đã từng nói rằng, việc tìm ra nguồn tế bào gốc từ màng dây rốn cũng là chuyện tình cờ?
Đúng vậy, một hôm có một dây rốn lạ gửi tới phòng nghiên cứu của chúng tôi, là chuyên gia nghiên cứu về da và vết thương nên ngay lập tức ý tưởng áp dụng kỹ thuật tách tế bào da vào màng dây rốn đã bắt đầu hình thành trong đầu tôi. Sau 4 tháng tìm tòi và nghiên cứu, công nghệ bóc tách tế bào gốc từ màng dây rốn và cuống rốn đã thành công.
Ưu và nhược điểm của công nghệ điều trị tế bào gốc là gì thưa giáo sư?
Sử dụng tế bào gốc điều trị có hai nguy cơ chính về an toàn được đặt ra đó là nguy cơ lây truyền các bệnh truyền nhiễm như HIV, Viêm gan B. Nguy cơ đầu tiên được kiểm soát dễ dàng và thuận lợi qua việc làm xét nghiệm người cho cũng như xét nghiệm tế bào để đảm bảo không có bất kể một mầm bệnh nguy hại nào trước khi đưa vào sử dụng điều trị. không những thế, khả năng tạo thành khối u ác tính là rất có thể. Đây chính là một trong những trở ngại lớn nhất của các tế bào gốc phôi (embryonic stem cells).
Tế bào gốc phôi nuôi trong ống nghiệm được ví như đứa trẻ 3 tuổi tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh xã hội nó có thể trở thành người tốt hoặc kẻ xấu trong tương lai. Hiện nay khoa học vẫn chưa tìm ra phương thức hiệu quả để kiểm soát quá trình biệt hóa của tế bào gốc phôi nuôi trong ống nghiệm thành tế bào tốt chứ không phải tế bào ác.
Tế bào gốc trưởng thành (adult stem cells) và tế bào gốc nhũ nhi (infant stem cells) được coi là an toàn hơn cả. Hai loại này không tạo khối u ác và đã được sử dụng trong lâm sàng điều trị rất nhiều năm mà không có tai biến tạo u ác tính. Do đó, ứng dụng tế bào gốc từ màng dây rốn được coi là phương pháp an toàn nhất. Vì màng dây rốn và dây rốn phát triển từ phôi thai ở tháng thứ 1 và được thu giữ lại ở tháng thứ 9 nên tính chất tế bào gốc còn rất tốt. Những người khoẻ mạnh thì sẽ trẻ lâu hơn vì khả năng chống lão hóa của tế bào gốc.
Được biết tế bào màng dây rốn còn ứng dụng trong cả ngành thẩm mỹ và chăm sóc sắc đẹp?
Thực tế, màng nhau thai và dây rốn đã được sử dụng từ rất lâu trong y học để điều trị vết thương bỏng, vết thương nhãn cầu. Các chế phẩm của nhau thai đã được sử dụng để bồi bổ sức khỏe và chống lão hoá. Hiện một số nước phát triển trên thế giới đã sử dụng tế bào gốc từ nhau thai người và động vật cho thẩm mỹ và chăm sóc sắc đẹp.
Tế bào gốc và các chế phẩm chứa một lượng protein tốt, các yếu tố phát triển và các chất nền tảng giúp cho chức năng tế bào da tốt hơn giúp cho làm đầy các nếp nhăn. Theo một số công trình nghiên cứu gần đây của một trung tâm ghiên cứu ung thư hàng đầu của Mỹ tại Đại học Texas, Trung tâm MD Anderson, thì tế bào gốc còn có khả năng điều trị các khối u tạng đặc (ung thư vú, gan, phổi, não…).
GS đang cùng các đồng nghiệp tại Singapore( nơi GS Thắng sinh sống và làm việc) đang tiến hành nghiên cứu trên động vật để điều trị vết thương, tổn thương da do lão hóa và tia xạ, gẫy xương và tổn thương sụn, nhồi máu cơ tim, tiểu đường, tai biến mạch máu não… Kết quả thu được là…?
Kết quả ban đầu thu được thật đáng khích lệ, đó là bước đệm để cho dự định đầu năm tới sẽ tiến hành điều trị phương pháp bóc tách và nuôi cấy tế bào dây rốn trên người. Trước tiên, cho các loại vết thương bỏng và vết thương mãn tính do tiểu đường tại Singapore, Hồng Kông, Mỹ, Úc và Ấn Độ. Những năm tiếp theo, sẽ tiến hành tiếp việc ứng dụng điều trị trên người cho các loại tổn thương sụn và gẫy xương. Trong tương lai xa hơn, sẽ tiến hành áp dụng điều trị trên người cho các loại bệnh như: Tiểu đường và nhồi máu cơ tim.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Ưu điểm của công nghệ tách tế bào gốc từ màng dây rốn
- Không vi phạm y đức, không gây tổn thương cho cả mẹ và con trong quá trình thu giữ dây rốn.
- Quá trình thu giữ dễ dàng nên việc lưu giữ bảo quản đông lạnh rất thuận lợi và hiệu quả cho việc sử dụng tế bào gốc màng dây rốn để điều trị cho gia đình và bản thân trong tương lai (như một loại bảo hiểm) các loại bệnh như: Bỏng, tổn thương da, gãy xương, teo cơ, tổn thương sụn và gân, liệt tủy, tiểu đường, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, Parkinson… và thậm chí có thể dùng cho thẩm mỹ và chăm sóc sắc đẹp.
- Kỹ thuật nuôi cấy không quá phức tạp và tốn kém nên các nước đang phát triển có thể sớm áp dụng công nghệ này.
Việc đào tạo và chuyển giao công nghệ bóc tách, nuôi cấy tế bào gốc từ màng dây rốn của về Việt Nam của Gs Thắng đã được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) ủng hộ và thông qua và triển khai vào đầu năm 2007. Sẽ có nhiều đơn vị ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn tham gia.
Phạm Thanh- Mai Hương

Posted by Unknown

Các nhà khoa học đã tạo ra được một dạng tế bào gốc của người bằng cách kích thích trứng chưa thụ tinh, thay vì từ phôi. Thành tựu này mở ra triển vọng mới trong việc sản xuất các mô để cấy ghép an toàn cho phụ nữ.
Tao ra te bao goc tu trung chua thu tinh
Các nhà khoa học đã tạo ra được tế bào gốc của người từ trứng, thay vì từ phôi. (Ảnh: BBC)
Với bước tiến y học quan trọng này, trong tương lai, nếu một người phụ nữ cần cấy ghép để trị bệnh, như bệnh tiểu đường hay chấn thương cột sống, thì người đó có thể cung cấp trứng cho các chuyên gia để tạo ra mô cấy ghép mà không sợ bị đào thải bởi cơ thể người phụ nữ đó.
Để tạo ra các mô tương thích với cơ thể của người bệnh về mặt di truyền, một số nhà khoa học đã cố gắng xây dựng một qui trình gọi là nhân bản liệu pháp (therapeutic cloning), trong đó DNA lấy từ bệnh nhân sẽ được đưa vào bên trong trứng chưa thụ tinh, từ đó một phôi sẽ được tạo ra và các bác sĩ sẽ thu được tế bào gốc từ phôi. Nhưng cho đến nay, chưa có ai thực hiện qui trình này trên con người.
Những tế bào gốc đó sẽ phát triển thành bất cứ mô nào của cơ thể con người, và các nhà khoa học hy vọng khai thác chúng trong việc sản xuất những mô tế bào đặc biệt – như tế bào thần kinh hay tế bào tụy tạng – để điều trị nhiều bệnh khác nhau.
Nhưng tiến trình tạo ra tế bào gốc như thế sẽ phá hủy phôi người – đó là điều mà nhiều người phản đối vì cho rằng như thế là phi đạo đức. Trong khi đó, nghiên cứu mới này cố gắng tạo ra tế bào gốc phôi người theo một hướng đi khác: kích thích trứng chưa thụ tinh của một phụ nữ để tạo ra sự phát triển phôi.
Theo nhóm nghiên cứu, sự phát triển này không kéo dài đủ lâu để có thể tạo nên bào thai, mà chỉ đủ để sản sinh ra tế bào gốc tương thích với người cho trứng về mặt di truyền. Và tất nhiên là phương pháp này không thể tạo ra được tế bào gốc phù hợp với nam giới.
Nghiên cứu này do các chuyên gia của Công ty Lifeline Cell Technology – LLC (Hoa Kỳ) thực hiện, với sự cộng tác của các nhà khoa học đến từ Moscow, Nga.
Tao ra te bao goc tu trung chua thu tinh
Tế bào gốc phôi người (Ảnh: Science Daily)
Chủ tịch LLC, ông Jeffrey Janus – thành viên nhóm nghiên cứu – cho rằng tế bào gốc được tạo ra theo phương pháp này không chỉ thích hợp với người cho trứng, mà vẫn có thể áp dụng cho những người khác, nếu các liệu pháp chống thải ghép được sử dụng kết hợp. Theo ông, điều đó cũng giống như trong trường hợp sử dụng những dòng tế bào gốc được tạo ra từ phôi người.
Ông Janus và các cộng sự cho biết đã tạo ra được 6 dòng tế bào gốc phôi người, trong đó có 1 dòng có những bất thường về nhiễm sắc thể. Để tạo ra những tế bào gốc này, nhóm nghiên cứu đã sử dụng trứng được cung cấp tự nguyện bởi 6 người phụ nữ áp dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
Ông Kent Vrana, thuộc Trường Đại học bang Pennsylvania (Hoa Kỳ), người đã thực hiện một nghiên cứu tương tự trên khỉ, cho rằng phương pháp này cung cấp một “công cụ bổ sung” bên cạnh nhân bản liệu pháp.
Nhận xét về nghiên cứu này, nhà khoa học George Daley, thuộc Viện Tế bào gốc Harvard, Hoa Kỳ, phát biểu: “Đây thật sự là một dạng mới của tế bào gốc. Nhưng điều mà chúng tôi băn khoăn là liệu những tế bào đó có khả năng giống như những tế bào gốc lấy từ phôi được thụ tinh bình thường hay không”.
Theo ông, một vấn đề nữa là việc thiếu sự đóng góp DNA của người cha có làm suy yếu hoạt động của tế bào gốc dạng này hay không. Ông giải thích: “Khác với những chỉ thị di truyền của DNA có trong trứng, những chỉ thị di truyền của DNA trong tinh trùng mang tính đặc thù, có ảnh hưởng đến hoạt động của những gien đặc trưng”.
Ông Ronald M. Green, nhà đạo đức học của trường Đại học Dartmouth (Hoa Kỳ), cho biết ông tin rằng qui trình kích thích trứng như thế sẽ là một phương pháp chấp nhận được về mặt đạo đức trong việc tạo ra tế bào gốc.
Ông nói: “Người ta sẽ thấy rằng đây chỉ là việc kích thích trứng chưa thụ tinh, và trứng đó tự thân nó không phát triển thành bào thai. Trường hợp này không phải là sử dụng phôi người, nên không thể có những đánh giá về mặt sinh học hay đạo đức. Do đó, đây là phương pháp tốt trong việc cung cấp tế bào gốc của người mà không gây ra sự phá hủy phôi”.
Nhưng Đức Cha Tad Pacholczyk, thuộc Trung tâm Đạo đức Sinh học Công giáo Quốc gia ở Philadelphia, Hoa Kỳ, lại có một ý kiến ngược lại. Ông nói: “Quan điểm của tôi là nếu trong những ngày đầu tiên, những tế bào gốc đó đã phát triển thành phôi, và rồi người ta lại chặn đứng sự phát triển đó, thì cũng sẽ giống như trường hợp một người có một thời gian sống rất ngắn ngủi vậy”.
“Người ta rất có thể sẽ liên tưởng tới một con người bị khuyết tật. Và dù không có chứng cớ để lên án, nhưng người ta sẽ nghi ngờ và cho rằng những phôi như thế không nên được tạo ra để rồi lại phá hủy chúng”.
Nghiên cứu mới này vừa được công bố trên ấn bản điện tử của The Journal of Cloning and Stem Cells (Tạp chí Nhân bản và Tế bào gốc) ở Hoa Kỳ.
Quang Thịnh (Theo AP)
Posted by Unknown


Hạn hán làm giảm năng suất ngô là một thực tế đã và đang xảy ra với phạm vi, cường độ ngày càng nghiêm trọng. Tần suất và mức độ nghiêm trọng của hạn hán rất khó dự đoán để có thể điều chỉnh mùa vụ để né tránh. Do vậy, một trong những giải pháp đầu tiên được quan tâm là lai tạo các giống ngô chịu hạn nhằm giảm bớt thiệt hại. Nghiên cứu chọn tạo giống ngô chịu hạn ngoài việc trực tiếp chọn năng suất người ta còn dùng các tính trạng liên quan làm chỉ tiêu gián tiếp như khoảng cách trỗ cờ - phun râu (T-PR), số hạt/bắp, khối lượng hạt, số cây không bắp, chỉ số lá còn xanh, khối lượng rễ ở các tầng đất sâu và một số tính trạng khác làm tiêu chí chọn lọc. Chọn giống chịu hạn nhờ marker phân tử dựa vào các bản đồ QTLs.


Mức độ đa dạng di truyền là một chỉ tiêu quan trọng trong quá trình chọn tạo giống vì khi các cặp cha mẹ có độ đồng nhất di truyền cao sẽ làm mất tính ưu thế lai. Vì vậy, trong khuôn khổ của đề tài nghiên cứu chọn tạo giống ngô chống chịu hạn, đánh giá đa dạng di truyền các giống ngô chọn lọc đã được tiến hành.

Trong tổng số 102 allele đã được khuếch đại bằng 10 marker SSR, marker 1354 cho nhiều allele nhất với 16 allele, marker phi328175 cho ít allele nhất với 7 allele. Trung bình khoảng cách đa dạng di truyền nằm trong khoảng từ 39% đến 86%. Khoảng cách di truyền giữa hai giống MR-07-2 và LN-22-17 cũng như giữa hai giống V3A-1 và CML465 là cao nhất (86%). Khoảng cách di truyền giữa hai giống MR-07-2 và V-10-1 là thấp nhất (39%).

Kết quả nghiên cứu xây dựng bản đồ QTLs cho hai tính trạng năng suất và T-PR trên quần thể phân ly F2 của tổ hợp lai giữa dòng ngô kém chịu hạn D12 và dòng chịu hạn khá CML161 đã xác định sự phân bổ thông số về T-PR và năng suất hạt theo mô hình chuẩn (normal distribution) hoàn toàn phù hợp yêu cầu cho việc sử dụng để xây dựng bản đồ QTLs. 150 marker SSR được chọn lọc đã xác định 85 marker cho đa hình giữa các dòng bố mẹ chiếm 56,7%. 85 marker này được dùng để đánh giá kiểu gene của 192 dòng F2, đã xác định được 31 marker cho kết quả phân ly lệch (distorted segregation) từ tỷ lệ mong muốn (1:2:1) và kiểu gene bố mẹ được xác định 48% từ D12 và 52% từ CML161. Bản đồ liên kết di truyền được xây dựng với tổng chiều dài 1350 cM với khoảng cách trung bình 2 marker là 15,88 cM. Kết quả xác định bản đồ QTL tính trạng T-PR và năng suất ngô trong điều kiện stress hạn đã xác định được 3 QTL liên quan tính trạng quy định khoảng cách trổ cờ phun râu trên nhiễm sắc thể số 1, số 3 và số 9 được chiếm 29.9% tổng biến thiên kiểu hình được giải thích bởi 3 QTL này. Chỉ số LOD từ 2.6 đến 3.67. Xác định marker gần nhất là bnlg1811-umc2228 cho QTL trên nhiễm sắc thể số 1, umc1588-umc1399 cho QTL trên nhiễm sắc thể số 3 và umc1078-bnlg1091 cho QTL trên nhiễm sắc thể số 9.

Liên quan đến tính trạng năng suất, đã xác định 2 QTL trên nhiểm sắc thể số 1 và số 9 với tổng biến thiên về kiểu hình là 24.29% được giải thích bởi 2 QTL này. Chỉ số LOD từ 2.87 đến 4.02. Xác định marker gần nhất là bnlg1429-1811 cho QTL trên nhiễm sắc thể số 1, và umc1804-umc1675 cho QTL trên nhiễm sắc thể số 9. Làm cơ sở để ứng dụng marker phân tử trong việc chọn tạo giống ngô chịu hạn.

Kết quả nghiên cứu của đề tài thuộc “Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020.” Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn do TS trần Kim Định làm chủ nhiệm đề tài.

Posted by Unknown

Tuesday, October 11, 2011

Một nhà thiết kế thời trang Đức dùng protein sữa nồng độ cao để tạo ra loại vải mềm rất có lợi cho sức khỏe.

Protein trong vải QMilch do nhà thiết kế kiêm nhà vi trùng học Anke Domaske (28 tuổi, đến từ thành phố Hanover) sản xuất chứa nhiều amino acid nên có tác dụng diệt khuẩn, chống lão hóa, điều hòa tuần hoàn máu và nhiệt độ cơ thể.

Vì vậy, QMilch còn có thể được dùng để sản xuất thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm…

“QMilch mềm mượt giống như lụa và không có mùi. Bạn có thể giặt như những loại vải khác”, bà Domaske nói.

QMilch cũng là loại sợi nhân tạo đầu tiên được sản xuất mà không dùng hóa chất.

Sợi sữa được sản xuất đã lâu nhưng phải dùng đến rất nhiều hóa chất có hại cho môi trường. Trong khi đó, QMilch được làm hầu như hoàn toàn bằng casein - tên của một nhóm protein chủ yếu trong sữa.

Casein được chiết xuất từ sữa bột khô, rồi đun nóng các vật liệu thiên nhiên khác để protein quện chặt, không thể phân hủy. Cuối cùng, máy se sợi sẽ biến các tơ sữa thành sợi chỉ.

Theo bà Domaske, mất khoảng 6 lít sữa để làm ra một chiếc áo váy giá trên dưới 200 USD (4 triệu VND).

Nhãn hiệu thời trang của bà Domaske là Mademoiselle Chi Chi bắt đầu dùng Qmilch và một số loại sợi vải khác để sản xuất quần áo.

Bà Domaske dự định làm bộ sưu tập làm hoàn toàn bằng sợi sữa.

Tuệ Nhi (Theo Reuters)

Posted by Unknown
Nông dân ở các nước Đông Nam Á đang thu hoạch giống lúa luân canh tăng vụ, có giá trị lên tới hơn 1.6 tỷ USD/ha/ năm.

Báo cáo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế Australia (IRRIA) đã cho biết như trên.

Bên cạnh đó, giống lúa mới của IRRIA đã làm tăng thêm thu nhập cho người nông dân ở các nước Đông Nam Á. Cụ thể, ở Việt Nam, người nông dân canh tác giống lúa này đạt 127 USD/ha, Indonesia 76 USD/ha và Philippines đạt 52 USD/ha.

Cùng với đó, các giống lúa nước của IRRIA không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao, mà còn tăng sản lượng lúa gạo đối phó với sức ép gia tăng dân số toàn cầu. 

“Để tạo ra các giống lúa mới sản sinh ra hàng tỷ USD trên những cánh đồng lúa thì đòi hỏi các nhà khoa học nghiên cứu “đẻ ra” giống lúa có năng suất cao, thích ứng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt…”, ông Rudd Ngoại trưởng Australianhận định. 

V.Trường (Seoul Times)
Posted by Unknown