Gia sư tiếng anh - Tin học

Gia sư tiếng anh - Tin học

Dạy tin học ngoại ngữ mọi trình độ, đặc biệt dạy cấp tốc cho người đi làm, xuất cảnh, luyện thi chứng chỉ quốc gia A,B,C…

Gia sư tiếng anh - Tin học
Gia sư theo lớp

Gia sư theo lớp

Trung tâm gia sư Bình Minh tại tphcm nhận dạy tại nhà các lớp từ 1-12

Gia sư theo lớp
Gia sư theo môn

Gia sư theo môn

Toán – Lý – Hóa – Sinh – Văn – Sử – Địa – Ngoại Ngữ (Anh Hoa Pháp Nhật) – Tin Học – Nhạc- Họa …

Gia sư theo môn
Gia sư theo quận

Gia sư theo quận

Quận 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Quận Gò Vấp,Tân Bình,Tân Phú,Bình Thạnh,Phú Nhuận,Thủ Đức, Bình Tân

Gia sư theo quận

Thursday, February 14, 2013


http://ijms.info/journal/wp-content/uploads/2012/11/1.11583_Reject-Stamp.jpgBlog sinh học: Gần đây, vấn đề tụt hậu khoa học đã thu hút sự chú ý của nhiều diễn đàn báo chí. Nhiều ý kiến xoay quanh số ấn phẩm khoa học của Việt Nam trên các tập san khoa học quốc tế còn thấp, trong khi Việt Nam có nhiều giáo sư và tiến sĩ hơn so với các nước trong vùng Đông Nam Á. Một trong những lí do các nhà khoa học Việt Nam ít có công bố quốc tế là vì các công trình của họ bị các tập san khoa học từ chối. Là người bình duyệt và biên tập cho một số tập san khoa học qua nhiều năm, tôi thu thập được một số kinh nghiệm và thông tin về số phận những bài báo khoa học bị từ chối. Trong bài này, tôi sẽ giải thích và phân tích những lí do bài báo khoa học bị từ chối, và hi vọng góp một phần vào việc nâng cao sự hiện diện của khoa học Việt Nam trên trường quốc tế trong tương lai. Bài này thật ra là viết lại từ bài giảng ở Đại học Y tế Công cộng hôm 10/1/2013 mà các bạn có thể xem qua video.
          Cũng như bất cứ hoạt động xã hội nào, nghiên cứu khoa học phải có sản phẩm. Bài báo khoa học là “sản phẩm” của một công trình nghiên cứu khoa học.  Để đánh giá sự thành bại của một công trình, người ta thường xem xét đến bài báo khoa học đã được công bố ở đâu.  Các cơ quan tài trợ cho nghiên cứu xem việc công bố kết quả là một nghĩa vụ của nhà nghiên cứu, bởi vì họ nhận tài trợ từ tiền thuế của người dân, và do đó phải có trách nhiệm báo cáo cho người dân biết số tiền đó đã dẫn đến kết quả nào.
         Xin nói thêm rằng ở nước ngoài, người ta không có “nghiệm thu” công trình khoa học như ở Việt Nam; thay vào đó, các cơ quan tài trợ đánh giá sự thành công của một công trình nghiên cứu khoa học qua những bài báo đã được công bố trên các tập san có uy tín trên thế giới. Tốt hơn nữa, nếu nghiên cứu có ứng dụng, thì sản phẩm thực tế hay bằng sáng chế cũng là một thước đo quan trọng để đánh giá công trình nghiên cứu.
Nhưng trong thực tế, và như là một qui luật, phần lớn những bài báo khoa học bị từ chối công bố. Tỉ lệ từ chối có thể dao động trong khoảng 50% đến 99%, tuỳ theo tập san và thời gian. Tập san có uy tín cao thường có tỉ lệ từ chối cao. Những tập san lâu đời và có ảnh hưởng lớn trong khoa học như ScienceNature,Cell, hay trong y khoa như New England Journal of MedicineLancetJAMA, mỗi năm nhận được khoảng 6000 đến 8000 bài báo khoa học, nhưng tỉ lệ từ chối lên đến 90% hoặc 99%.  Ngược lại, những tập san nhỏ và chuyên ngành thường có hệ số ảnh hưởng thấp, thì tỉ lệ từ chối chỉ khoảng 50% đến 60%.  Những tập san địa phương có vẻ dễ dải hơn, với tỉ lệ từ chối chỉ 20 hay 30%.
Quyết định từ chối thường xuất phát từ ban biên tập và các chuyên gia bình duyệt. Nhưng rất nhiều trường hợp tác giả không biết tại sao bài báo của mình bị từ chối, vì ban biên tập cũng không giải thích lí do cụ thể. Tuy nhiên, những ai từng phục vụ trong ban biên tập thì biết khá rõ những lí do từ chối, vì mỗi năm tập san đều có tổng kết hoạt động và nhà xuất bản thường báo cáo chi tiết số bài báo nhận được, tỉ lệ từ chối, và lí do từ chối.
Qui trình xuất bản
Để hiểu lí do bài báo bị từ chối, cần phải hiểu về bản chất của tập san và qui trình xuất bản khoa học. Tập san khoa học (scientific journals) khác với tạp chí phổ thông (scientific magazine). Tạp chí phổ thông, như tên gọi, có chức năng chủ yếu là cung cấp những thông tin khoa học cho công chúng, với văn phong đơn giản để đại đa số công chúng có thể hiểu được những nét chính trong công trình nghiên cứu khoa học. Các tập san khoa học là những diễn đàn khoa học có chức năng chính là chuyển tải và chia sẻ thông tin khoa học trong giới làm nghiên cứu khoa học, nên văn phong và cách trình bày rất đặc thù và có khi khó hiểu. Các tạp chí không có cơ chế bình duyệt (peer review), nhưng các tập san khoa học nghiêm túc thì có cơ chế bình duyệt mà theo đó bài báo trước khi được công bố phải qua vài giai đoạn kiểm tra và duyệt xét về ý tưởng, phương pháp, và cách diễn giải.
Qui trình để xuất bản một bài báo khoa học cũng khá phức tạp.  Đầu tiên là tác giả soạn bài báo khoa học và đệ trình đến một tập san. Ban biên tập khi nhận được sẽ xem qua một cách nhanh chóng, và nếu thấy chưa đạt yêu cầu sẽ từ chối công bố trong vòng 1 tuần; nếu thấy đạt yêu cầu và có tiềm năng, họ sẽ gửi cho 2 hoặc 3 chuyên gia bình duyệt. Các chuyên gia bình duyệt sẽ đọc và đánh giá bài báo, viết báo cáo gửi cho tổng biên tập của tập san, với một trong những đề nghị như (a) cho công bố không cần sửa; (b) cho công bố những cần sửa chút ít; (c) cho công bố nhưng sửa nhiều hay viết lại; hay (d) từ chối.  Chỉ một trong 3 chuyên gia bình duyệt đề nghị từ chối thì khả năng bài báo sẽ bị từ chối lên rất cao.  Có nhiều trường hợp bài báo phải trải qua 3 lần bình duyệt, và tốn rất nhiều thời gian (trên 12 tháng) nhưng cuối cùng có khi vẫn bị từ chối!
Nhìn qua qui trình trên, dễ dàng thấy bài báo khoa học bị từ chối ở 3 giai đoạn: ban biên tập, bình duyệt, và tái bình duyệt. “Nguy cơ” bị từ chối rất khác nhau giữa các giai đoạn, và giữa các tập san. Một nghiên cứu trên tập san British Medical Journal (một trong những tập san y khoa hàng đầu thế giới), trong giai đoạn 1 (tức ban biên tập), tỉ lệ từ chối khoảng 50% những bài báo gửi đến, mà không gửi ra ngoài để bình duyệt. Giai đoạn 2, sau khi gửi đi cho các chuyên gia bình duyệt, thì vẫn bị từ chối khoảng 45%. Ngay cả ở giai đoạn 3 là tái bình duyệt, xác suất bị từ chối là khoảng 5%.
Lí do từ chối: ban biên tập
Lí do từ chối bài báo trong giai đoạn 1 có thể liệt kê vào 3 nhóm chính: không thích hợp tập san, thiếu cái mới hay chẳng có ảnh hưởng, và vấn đề trình bày dữ liệu và ngôn ngữ.
Không thích hợp cho tập san là lí do ban biên tập từ chối rất nhanh. Tập san khoa học có đẳng cấp riêng trong chuyên ngành, và đẳng cấp này có thể phân biệt qua hệ số ảnh hưởng (impact factor, viết tắt là IF). Tập san có IF cao cũng có nghĩa là có ảnh hưởng lớn, và những tập san này chỉ công bố những công trình quan trọng. Nếu công trình nghiên cứu không phải thuộc vào loại “đột phá” thì không nên gửi cho các tập san như Science và Nature, mà nên xem xét đến các tập san chuyên ngành.
Mỗi tập san có một thành phần độc giả chủ đạo, và họ phải đáp ứng nhu cầu của độc giả. Tập san y học lâm sàng khác với tập san chuyên về nghiên cứu cơ bản. Cũng là cùng ngành tim mạch, nhưng có tập san ưu tiên công bố những công trình nghiên cứu cơ bản, và có tập san tập trung vào những vấn đề thực hành lâm sàng. Do đó, nếu là nghiên cứu dịch tễ học về bệnh tim mạch thì không nên gửi cho tập san Journal of Molecular and Cellular Cardiology, mà nên xem xét đến tập san [ví dụ như] American Heart Journal.
Thiếu cái mới. Nói chung, ban biên tập ưa chuộng công bố những nghiên cứu có cái mới về phương pháp, cách tiếp cận, kết quả, cách diễn giải, v.v. Những công trình nghiên cứu “me too” (tức lặp lại hay bắt chước nghiên cứu trước đây) sẽ khó có cơ hội công bố trên các tập san có tiếng. Những nghiên cứu mà câu trả lời hay kết quả chẳng có ảnh hưởng gì đến chuyên ngành, chẳng gây tác động gì đến chính sách công hay thực hành lâm sàng cũng khó có cơ hội được công bố.
Vấn đề ngôn ngữ. Có khá nhiều bài báo có nội dung tốt, nhưng vì cách trình bày lượm thượm, thiếu tính logic, vẫn bị từ chối. Một số bài báo bị từ chối vì lí do tiếng Anh quá kém, như sai ngữ pháp, sai văn phạm, thậm chí đánh vần sai. Trong thời đại điện tử và vi tính, mà đánh vần sai tiếng Anh trong một bài báo khoa học là tín hiệu cho thấy tác giả cẩu thả, hoặc thiếu tôn trọng người đọc, nên dễ bị từ chối.
Lí do từ chối: chuyên gia bình duyệt
Nếu bài báo đã qua giai đoạn 1 (ban biên tập), thì bản thảo sẽ được gửi cho 2 hay 3 chuyên gia trong chuyên ngành để phê bình và xét duyệt. Các chuyên gia bình duyệt là những người người bán nặc danh, chỉ có ban biên tập mới biết họ là ai. Chuyên gia bình duyệt biết tác giả là ai, nhưng tác giả không biết các chuyên gia này là ai, chỉ biết rằng họ là những chuyên gia có uy tín trong chuyên ngành. Do đó, trong cuộc "đối phó" các chuyên gia bình duyệt, tác giả ở vị thế tương đối khó khăn. Điều này nói lên rằng tác giả cần phải hết sức cẩn thận và khách quan trong cách trình bày bài báo, hoặc trả lời bình duyệt sao cho lịch sự, không tấn công cá nhân, để không gây ấn tượng xấu với các đồng nghiệp bình duyệt.
Các chuyên gia bình duyệt sẽ có 1-3 tháng để báo cáo cho ban biên tập, và trong báo cáo có phần đề nghị chấp nhận hay bác bỏ bài báo.   Trong báo cáo đó, các chuyên gia bình duyệt phải nói lí do tại sao họ đi đến quyết định chấp nhận hay từ chối bài báo. Xem qua những lí do mà các chuyên gia bình duyệt từ chối bài báo có thể tóm lược trong 4 nhóm chính:
  • Tầm quan trọng và thiếu cái mới của công trình nghiên cứu
  • Phương pháp và thiết kế nghiên cứu
  • Cách trình bày dữ liệu và cách viết
  • Diễn giải kết quả nghiên cứu
Tầm quan trọng và thiếu cái mới trong công trình nghiên cứu là lí do hàng đầu (80%  bài báo bị từ chối vì lí do này).  Có nhiều nghiên cứu mà đọc xong bài báo, người đọc chỉ chặc lưỡi thầm “chẳng có gì quan trọng”, hay nói một cách dân gian là “không mợ thì chợ vẫn đông”. Đó là những bài báo có kết quả nhưng kết quả chẳng có ảnh hưởng gì đến chính sách công, chẳng tác động gì đến chuyên ngành. Thiếu tính ứng dụng cũng là một lí do để từ chối, nhưng quan trọng hơn là thiếu cái mới. Nghiên cứu không có gì mới rất khó công bố trên các tập san quốc tế.
Phương pháp. Một nghiên cứu về lí do từ chối trên 25 nhà khoa học từng đoạt giải Nobel y sinh học, 67 tổng biên tập và 50 chuyên gia bình duyệt của các tập san y sinh học cho ra nhiều kết quả thú vị.  Kết quả phân tích cho thấy 71% bài báo bị từ chối là do thiết kế nghiên cứu có vấn đề. Những khiếm khuyết về cách tiếp cận, thiết kế nghiên cứu, phương pháp đo lường, qui trình thực hiện, phân tích dữ liệu, v.v. thường được nhắc đến như là những lí do từ chối.
Một nghiên cứu khác cũng cho thấy những vấn đề liên quan đến phương pháp nghiên cứu là một trong những lí do bị từ chối nhiều nhất. Bảng 1 dưới đây thống kê những lí do bị từ chối phổ biến nhất. Gần 3/4 bài báo bị từ chối là do khiếm khuyết về phương pháp nghiên cứu và phương pháp luận.
Bảng 1: Lí do bài báo khoa học bị từ chối công bố
Một số lí do chính
Phần trăm
Phương pháp và phương pháp luận
74.3
Tầm ảnh hưởng thấp hay không có ảnh hưởng
60.3
Văn phong
58.4
Tổng quan tài liệu
50.9
Phân tích dữ liệu
42.1
Cấu trúc bài báo
34.6
Chất lượng nghiên cứu và tính nghiêm túc
30.0
Lấy mẫu
29.2
Phần kết luận
27.6
Phần bàn luận
25.2
Tài liệu tham khảo
23.6

Về trình bày dữ liệu, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến bài báo bị từ chối đăng: trình bày dữ liệu không đầy đủ (32%), có mâu thẫn giữa các dữ liệu trình bày (25%) và không cung cấp đầy đủ chi tiếtt về phương pháp nghiên cứu (25%).  Về cách viết, các khoa học không ưa cách viết sử dụng từ ngữ hoa mĩ và sáo rỗng (ít thông tin), hoặc cách viết dùng những từ “đao to búa lớn” mà không có ý nghĩa cụ thể. Khoảng 43% bài báo với những từ ngữ như văn chương chính trị bị từ chối công bố.  Ngoài ra, diễn đạt ý tưởng không khúc chiết (21%) và câu văn thừa (11%) cũng là những nguyên nhân bị từ chối.
Địa phương chủ nghĩa?
Phần lớn các tập san khoa học -- dù là trụ sở đặt ở Mĩ hay Âu châu, hay trực thuộc các hiệp hội khoa học của Mĩ hay Âu châu -- mang tính quốc tế, hiểu theo nghĩa ban biên tập nhận bài từ tất cả các nhà khoa học trên thế giới.  Câu hỏi đặt ra là có sự khác biệt nào về tỉ lệ từ chối giữa các nước hay không.
Theo thống kê của các tập san y khoa lớn như New England Journal of MedicineJAMA, không có khác biệt lớn về tỉ lệ từ chối giữa các nước Mĩ (hay nói tiếng Anh) và ngoài Mĩ.  Năm 2000, 25% trong tổng số bài báo JAMA nhận được xuất phát từ các nước ngoài Mĩ, và tỉ lệ từ chối là 95%.  Tỉ lệ từ chối các bài báo từ Mĩ của JAMA là 93%.  Tập san New England Journal of Medicine cho biết trong tổng số bài báo tập san nhận được hàng năm, 1/2 đến từ các nước ngoài Mĩ.  Trong tổng số các bài báo được chấp nhận cho đăng trên New England Journal of Medicine, 1/3 có nguồn gốc ngoài Mĩ.
Tuy nhiên, đối với các tập san chuyên ngành thì có sự khác biệt lớn giữa các nước ngoài Mĩ và Mĩ.  Chẳng hạn như tập san Circulation Research (chuyên về tim mạch, hệ số ảnh hưởng ~10), mỗi năm họ nhận được khoảng 2000 bài báo từ khắp các nước trên thế giới, nhưng chủ yếu từ Mĩ (44%), Âu châu (31%), Nhật (6%), và Á châu (9%, không kể Nhật).  Tỉ lệ từ chối chung là 85%, không khác mấy so với tỉ lệ từ chối các bài báo từ Hàn Quốc (88%), Đài Loan (91%).  Riêng Trung Quốc, có đến 99% bài báo gửi cho tập sanCirculation Research bị từ chối vì chất lượng quá kém và tiếng Anh chưa đạt.
Một phân tích thú vị khác của tập san American Journal of Roentgenology (IF ~4) cho thấy một “bức tranh” toàn cục thú vị (Bảng 2).  Trong thời gian từ 2003 đến 2005, tập san này nhận được 5242 bài báo khoa học từ khắp nơi trên thế giới, nhưng chủ yếu từ Mĩ (43%), Nhật (11%), Hàn Quốc (9%), Đức (5%), và Canada (4%).  Tuy nhiên, tỉ lệ bài báo được chấp nhận cho đăng dao động lớn giữa các nước.  Trong số 2252 bài báo từ Mĩ, 72% được chấp nhận cho công bố, và trong tổng số 2990 bài báo ngoài Mĩ, tỉ lệ được chấp nhận là 60%.  Nước có tỉ lệ chấp nhận thấp nhất là Ấn Độ, với chỉ 27% bài báo được công bố.  Phân tích chi tiết theo ngôn ngữ mẹ đẻ, thì trong số 2684 bài báo từ các nước nói tiếng Anh (Mĩ, Canada, Anh, Úc) tỉ lệ chấp nhận cho công bố là ~71%.  Trong số 2558 bài báo xuất phát từ những nước không nói tiếng Anh, tỉ lệ chấp nhận chỉ 60%.
Bảng 2.  Số lượng bài báo nộp và tỉ lệ chấp nhận cho công bố trong thời gian 2003 – 2005 trên tập san American Journal of Roentgenology

Nước
Số lượng bài báo nộp
Tỉ lệ chấp nhận (%)
2252
72
Nhật
578
58
Hàn Quốc
457
65
Đức
263
68
Canada
198
61
Thổ Nhĩ Kì
189
42
Anh
174
68
Pháp
153
62
Ý
152
59
Đài Loan
131
46
Trung Quốc
123
58
Thụy Sĩ
110
75
Áo
94
73
Tây Ban Nha
90
64
Ấn Độ
79
27
Hà Lan
73
70
Do Thái
66
62
Úc
60
55
Nguồn: Ehara S, Takahashi K. Am J Roentgen 2007;188:W113-6

Những bài học
Biết được lí do bài báo bị từ chối cũng là một cách học. Học để nâng cao xác suất được chấp nhận của bài báo kế tiếp cao hơn. Nếu những phân tích trên đây cung cấp một thông điệp chính, tôi nghĩ đó là vấn đề ý tưởng và phương pháp. Đừng phí thì giờ cho những ý tưởng làng nhàng tủn mủn, vì những nghiên cứu như thế sẽ chẳng dẫn tác giả đi đến đâu trong khoa học. Ý tưởng hay mà phương pháp không thích hợp cũng khó có cơ may được công bố. Sau đây là vài bài học mà tôi nghĩ có thể rút ra từ những phân tích trên:
Thứ nhất là khi có ý tưởng làm nghiên cứu, cần phải chú trọng đến cái mới.  Cái mới ở đây không chỉ về ý tưởng, mà có thể là cái mới về phương pháp nghiên cứu (dù ý tưởng không mới), cái mới về kết quả và cách trình bày, và cái mới trong cách lí giải kết quả nghiên cứu.  Thiếu những cái mới này thì nghiên cứu chỉ là một dạng “me too”, tức chỉ hoàn toàn bắt chước người khác từ A đến Z.  Nếu là nghiên cứu “me too” thì rất khó được chấp nhận cho công bố trên các tập san có uy tín cao, hay dù có cơ hội được công bố thì tập san cũng thuộc vào loại làng nhàng, dưới trung bình.
Rất nhiều nghiên cứu y khoa từ VN thiếu cái mới, vì chỉ lặp lại những gì người khác đã làm. Một số người chỉ muốn theo đuổi những đề tài dễ, vì hoặc là thiếu kinh phí, hoặc là không dám mạo hiểm theo đuổi những đề tài gai góc. Tình trạng này khá phổ biến, nhất là ở những nghiên cứu sinh vì thời gian có hạn và cũng chẳng được tài trợ, nên họ chọn những đề tài rất nhỏ và không quan trọng (mà theo tiêu chuẩn học thuật thì chưa chắc xứng đáng văn bằng tiến sĩ). Môt số khác thì không được thầy cô hướng dẫn tốt, nên họ phải “tự bơi” bằng cách làm theo lối mòn, vì họ sợ nếu làm cái gì mới sẽ bị thầy cô trách mắng. Trong nhiều trường hợp, chính thầy cô cũng chỉ làm theo lối mòn cũ, vì hoặc không cập nhật kiến thức, hoặc sợ hội đồng duyệt đề tài bác bỏ. Bản thân các thành viên trong hội đồng duyệt đề tài cũng chỉ làm quen với những ý tưởng nhỏ, chấp vá, hay thậm chí chưa có kinh nghiệm làm nghiên cứu khoa học, nên họ trở nên tủn mủn và … bảo thủ. Trong cái vòng tròn luẩn quẩn như thế, rất khó để các nhà khoa học VN có công trình công bố trên các tập san quốc tế.
Thứ hai là cần chú trọng đến phương pháp nghiên cứu.  Trong nghiên cứu thực nghiệm, thiết kế và phương pháp đóng vai trò cực kì quan trọng.  Thiết kế nghiên cứu không thích hợp, thì dữ liệu có thể không có giá trị khoa học cao, và không có cơ may công bố trên các tập san có uy tín cao.  Chẳng hạn như một công trình nghiên cứu y khoa thiết kế theo mô hình có yếu tố thời gian và có nhóm chứng lúc nào cũng có giá trị khoa học hơn là một công trình không có nhóm chứng.  Trong nghiên cứu y học, phương pháp sai thì kết quả cũng sai hay không có giá trị cao.  Ví dụ như nếu nghiên cứu về bệnh tiểu đường hay dinh dưỡng mà không có các đo lường về lượng mỡ bằng phương pháp DXA thì dữ liệu khó mà xem là có giá trị khoa học cao. 
Trong một phân tích về những công trình nghiên cứu y khoa ở trong nước trước đây, tôi phát hiện rất nhiều sai sót về phương pháp nghiên cứu (research method) và phương pháp luận (methodology). Những sai sót này thường là cách thiết kế nghiên cứu không thích hợp, qui trình sai, phương pháp phân tích còn nhiều sai lầm, vi phạm giả định khoa học, v.v. Ngay cả tài liệu hướng dẫn nghiên cứu khoa học lưu hành trong các đại học cũng còn nhiều điểm cần phải xem xét lại, vì chưa phù hợp chuẩn mực quốc tế và chịu ảnh hưởng bởi một chuyên ngành. Với những sai sót như thế, các nghiên cứu từ Việt Nam rất khó có cơ may được xuất hiện trong các diễn đàn khoa học quốc tế.
Thứ ba là cách trình bày. Bài báo khoa học là một văn bản khó hiểu, bởi văn phong thường được viết rất ngắn và cô đọng. Nhưng nếu tác giả chọn cách viết dài dòng như viết tiểu thuyết thì đó là một cách chuốc lấy thất bại trong khoa học. Điều này có ý nghĩa với chúng ta, người Việt Nam, vì chúng ta hay chịu ảnh hưởng của thơ văn trong cách viết bài báo khoa học.
Nhiều tập san khoa học trong nước có cách trình bày … chẳng giống ai, chẳng theo một thông lệ khoa học nào cả. Tác giả có thể trình bày theo ý mình, và do đó dẫn đến tình trạng “trăm hoa đua nở”. Điều này làm cho người đọc cảm thấy những bài báo nghiên cứu trong nước rất hời hợt và thiếu tính khoa học. Còn các tập san khoa học quốc tế có qui định rất chặt chẽ về cách trình bày dữ liệu, cách viết, thậm chí cách trình bày tài liệu tham khảo. Nếu bài báo không tuân thủ theo các qui định của tập san thì chắc chắn sẽ bị từ chối.
Thứ tư là cần thạo tiếng Anh.  Phần lớn (90%) các tập san quốc tế, dù là tập san ở các nước Bắc Âu hay châu Á Thái Bình Dương đều sử dụng tiếng Anh.  Có thể nói không ngoa rằng tiếng Anh đã trở thành một ngôn ngữ của cộng đồng khoa học.  Đối với các nhà khoa học Việt Nam, tiếng Anh là một vấn đề lớn, vì phần lớn các nhà khoa học không thạo tiếng Anh.  Rất nhiều nhà khoa học Việt Nam biết tiếng Anh, có thể đọc, nghe, và viết, nhưng phần lớn chưa ở trình độ có thể viết một bài báo khoa học hoàn chỉnh. Ngay cả những nghiên cứu sinh đã theo học các đại học nói tiếng Anh ở nước ngoài cũng chưa đủ khả năng để soạn một bài báo khoa học mà không cần đến sự hỗ trợ về ngôn ngữ.
Rất khó tìm một bài báo y khoa được công bố trên các tập san ở trong nước viết đúng tiếng Anh!  Nhưng như chúng ta thấy qua các dữ liệu trên, tiếng Anh là một rào cản đáng kể (nhưng không phải là rào cản duy nhất hay lớn nhất) đối với các nhà khoa học ngoài các nước nói tiếng Anh.  Do đó, nhà khoa học cần phải tiếng Anh, và các đại học / viện nghiên cứu nên tổ chức nhiều khóa học về cách viết bài báo khoa học bằng tiếng Anh.  Tuy nhiên, tiếng Anh không phải là nguyên nhân chính để từ chối một công trình nghiên cứu có chất lượng cao.  Ngược lại, tiếng Anh “văn hay chữ tốt” cũng không thể bù đấp được những khiếm khuyết về cái mới và phần thiết kế cũng như phương pháp nghiên cứu.
Từ chối là một cơ hội!
Thật ra, bài báo bị từ chối có khi là một cơ hội tốt.  Theo một phân tích mới đây, những bài báo bị từ chối sau khi được chỉnh sửa lại thường được công bố trên những tập san có ảnh hưởng cao.  Do đó, không nên buồn khi thấy công trình của mình bị từ chối, mà nên xem đó là một cơ hội để làm tốt hơn và hay hơn.
Nói tóm lại, các kết quả phân tích trên đây cho thấy khuyết điểm phổ biến nhất và cũng là nguyên nhân thông thường nhất dẫn đến quyết định từ chối một bài báo khoa học nằm ở phần phương pháp.  Điều này có lẽ cũng không khó hiểu, bởi vì nếu phương pháp sai thì kết quả sẽ sai, các bàn luận và kết luận cũng có thể sai.  Mà, sai sót về phương pháp thì không sửa được (vì nghiên cứu đã làm rồi).  Không có tập san khoa học nào muốn công bố một bài báo khoa học với nhiều sai sót, nên quyết định từ chối những bài báo do khiếm khuyết về phương pháp là điều hoàn toàn có thể đoán được.
Bộ Khoa học và Công nghệ mới ra chính sách mới, mà theo đó công bố quốc tế sẽ được lấy làm một thước đo năng lực nghiên cứu khoa học. Chiến lược khoa học 2011-2020 viết rằng “tăng số lượng công bố quốc tế từ các đề tài sử dụng ngân sách nhà nước trung bình 15-20%/năm. Mục tiêu thứ năm lại ghi rõ đến năm 2020 hình thành 60 tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đạt trình độ khu vực và thế giới.” Đây là một thách thức đáng kể cho giới khoa học Việt Nam, bởi càng ngày việc công bố khoa học càng khó khăn vì sự cạnh tranh toàn cầu giữa các nhà khoa học để có tiếng nói.
Trong khi chúng ta có kế hoạch gia tăng số ấn phẩm khoa học, thì các nước trong vùng đã bỏ xa chúng ta. Năm 2012, các nhà khoa học VN công bố được 1630 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế. Con số này chỉ bằng 30% của Thái Lan, 22% của Mã Lai, và 17% của Singapore. Những con số trên đây cho thấy năng suất khoa học Việt Nam còn rất khiêm tốn, nhất là trong điều kiện 9500 giáo sư và phó giáo sư cùng 24 ngàn tiến sĩ. Nếu mỗi 2 giáo sư công bố 1 bài báo khoa học, và mỗi 4 tiến sĩ công bố 1 bài báo khoa học, thì mỗi năm VN có khoảng 10,000 bài báo khoa học. Do đó, con số công bố quốc tế hiện nay của VN có thể hiểu như là tương đương với 16% tiềm năng khoa học.
Nhưng những con số trên chưa nói đến một thực tế đáng báo động khác: vấn đề lệ thuộc. Phần lớn (70%) những công trình của VN là do hợp tác với nước ngoài. Có lĩnh vực như y khoa, tỉ lệ hợp tác với nước ngoài lên đến 80%. Hợp tác khoa học là điều cần thiết và cần khuyến khích, nhưng nếu 80% công trình nghiên cứu là do hợp tác thì có thể xem đó là một chỉ số về nội lực yếu kém, hay nói thẳng hơn là lệ thuộc. Điều này cho thấy ngay từ bây giờ VN cần phải xây dựng nội lực khoa học tốt hơn để cạnh tranh với các nước trong vùng và trên thế giới.
Để xây dựng nội lực, cần có những chính sách lâu dài hơn và có hệ thống hơn liên quan đến con người. Rất cần lập những quĩ dành cho các nhà khoa học trẻ (mới xong tiến sĩ) để gửi họ ra nước ngoài tiếp tục nghiên cứu trong giai đoạn hậu tiến sĩ. Đối với những nhà khoa học có triển vọng (không khó nhận ra những người này) cần có những tài trợ đặc biệt cho họ. Tài trợ phải để họ đủ lương bổng mà không phải lo đến chuyện “cơm áo gạo tiền” hay phải chạy sô “xoá đói giảm nghèo”. Nói tóm lại, chúng ta cần phải lập ra quĩ dành cho những nhà khoa học tinh hoa (elite) và cho phép họ độc lập trong nghiên cứu và sử dụng ngân sách khoa học. Khoa học bắt đầu từ con người có tài, và không có lí do gì mà xã hội không nuôi dưỡng những nhân tài.
Blog sinh học (Theo N.V.T)
Posted by Unknown

Blog sinh học: Qua kinh nghiệm cá nhân và tiếp xúc với các đồng nghiệp trong nước, tác giả cho rằng một phần của vấn đề là do các nhà khoa học nước ta thiếu kỹ năng phân tích dữ kiện và kỹ năng thông tin (communication skill). Đại đa số các tạp chí khoa học quốc tế đều sử dụng tiếng Anh để truyền đạt thông tin. Đó là một trở ngại lớn vì có nhiều nhà khoa học nước ta chưa quen với tiếng Anh, và ngay cả đối với các nhà khoa học thạo tiếng Anh, thì họ lại thiếu kỹ năng viết bài báo khoa học. Bài viết này chỉ bàn đến kỹ năng thông tin, mà cụ thể là viết một bài báo khoa học, nhằm chia sẻ một số kinh nghiệm với các đồng nghiệp và bạn trẻ trong nước.

http://sinhhoc.blogspot.com

Tại sao phải công bố báo cáo khoa học?

Trong hoạt động NCKH, các bài báo khoa học đóng một vai trò rất quan trọng. Nó không chỉ là bản báo cáo về một CTNC, mà còn là một đóng góp cho kho tàng tri thức của thế giới. Khoa học tiến bộ cũng nhờ một phần lớn vào thông tin từ những bài báo khoa học, bởi vì qua chúng mà các nhà khoa học có dịp trao đổi, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

Một CTNC thường được tài trợ từ các cơ quan nhà nước, và số tiền này là do dân chúng đóng góp. Khi tiến hành nghiên cứu, nhà nghiên cứu có khi phải nhờ đến sự tham gia của tình nguyện viên hay của bệnh nhân. Trong trường hợp đó, tình nguyện viên và bệnh nhân phải dành thời gian để tự nguyện cung cấp thông tin và có khi hy sinh một phần xương máu cho nhà nghiên cứu. Nếu một CTNC đã hoàn tất mà kết quả không được công bố, thì CTNC đó có thể xem là có vấn đề về y đức và đạo đức khoa học, và nhà nghiên cứu có thể xem như chưa hoàn thành nghĩa vụ của mình với sự đóng góp của quần chúng. Do đó, báo cáo khoa học trên các diễn đàn khoa học quốc tế là một nghĩa vụ của nhà nghiên cứu, là một cách gián tiếp cảm ơn sự đóng góp của bệnh nhân và giúp đỡ của dân chúng qua sự quản lý của nhà nước.

Đối với cá nhân nhà khoa học, bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học quốc tế là một “currency”. Đó là những viên gạch xây dựng sự nghiệp của giới “khoa bảng”. Tại các đại học ở phương Tây, số lượng và chất lượng bài báo khoa học là tiêu chuẩn số một trong việc xét đề bạt, lên chức. Vì thế, việc công bố báo cáo khoa học đối với giới “khoa bảng” Tây phương là một ưu tiên hàng đầu của họ. Chính vì thế mà ở đó có văn hóa “publish or perish” (xuất bản hay là tiêu tan). Nếu trong vòng 1 hay 2 năm mà nhà khoa học không có một bài báo nào đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế, ban giám hiệu sẽ mời vị đó trả lời câu hỏi “tại sao”. Nếu không có lý do chính đáng thì người đó có thể bị mất chức.

Như vậy, báo cáo khoa học trên các diễn đàn khoa học quốc tế là một việc làm chính yếu, một nghĩa vụ và một điều kiện để tồn tại của một nhà khoa học. Nhưng từ lúc tiến hành nghiên cứu, thu thập dữ kiện đến lúc có báo cáo là một quá trình gian nan. Một công việc còn gian nan hơn nữa là làm sao đảm bảo báo cáo được đăng trên một tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới. Vì thế, các nhà khoa học cần phải đặc biệt chú ý đến việc soạn thảo một bài báo khoa học sao cho đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bài viết này sẽ chỉ ra một cách thân mật những “mẹo” và kỹ năng để đạt tiêu chuẩn đó.

Bài báo khoa học: khổ hạnh

Mỗi bài báo khoa học là một công trình khổ hạnh. “Khổ hạnh” ở đây phải được hiểu theo nghĩa vừa đau khổ, vừa hạnh phúc. Đau khổ trong quá trình chuẩn bị và viết thành một bài báo và hạnh phúc khi nhìn thấy bài báo được công bố trên một tạp chí có nhiều đồng nghiệp đọc và chia sẻ. Để đạt kết quả sau cùng này, tác giả phải phấn đấu làm sao để giữ được sự cân bằng giữa tính trong sáng với nội dung (phải đầy đủ). Bài báo phải được viết bằng một văn phong cực kỳ súc tích, nhưng phải đầy đủ, làm sao hấp dẫn được người đọc và để người đọc “nhập cuộc”. Đó là những yêu cầu rất khó mà không phải tác giả nào cũng đạt được.

Nếu không tiếp cận vấn đề một cách có hệ thống, tất cả những nỗ lực cho một bài báo khoa học có thể trở nên vô dụng, thậm chí đem lại ảnh hưởng xấu vì một CTNC sẽ không có cơ hội xuất hiện trên các tạp chí chuyên ngành. Mặc dù ở các nước phương Tây, người ta đã có nhiều bài viết chỉ dẫn – thậm chí có cả sách dạy – cách viết một bài báo khoa học, nhưng ở nước ta, hình như vẫn chưa có một tài liệu chỉ dẫn nào như thế.

Vạn sự khởi đầu nan…

Viết một bài báo tốt là một việc làm không đơn giản chút nào, nếu không muốn nói là phức tạp. Nó đòi hỏi người viết phải sáng tạo và suy tưởng… trong lặng lẽ. Con đường dẫn đến một sản phẩm hoàn hảo không bao giờ là một con đường thẳng, mà là một con đường với nhiều ngõ ngách, nhiều đường cùng và nhiều chông gai. Nói một cách ngắn gọn, viết cần phải có thời gian. Thành ra, cách tốt nhất là phải khởi công viết càng sớm càng tốt, đừng bao giờ để cho đến giai đoạn cuối của nghiên cứu mới viết. Tác giả có thể viết ngay những phần cần viết ra của bài báo trong khi CTNC vẫn còn tiến hành. Phác họa ra phần dẫn nhập (introduction) ngay từ khi CTNC đang được thai nghén. Viết phần phương pháp (methods) ngay trong khi CTNC còn dở dang. Làm đến đâu, viết ngay đến đó. Sau cùng là một phác họa những biểu đồ, bảng thống kê cần phải có trong bài báo. Việc sớm viết ra những ý tưởng và phương pháp giúp rất nhiều cho nhà nghiên cứu trong những lần sửa chữa sau này. Chẳng hạn như: làm sáng tỏ động cơ và lý do nghiên cứu trong phần dẫn nhập giúp cho nhà nghiên cứu nhận ra bối cảnh mà CTNC có thể đóng vai trò. Viết ra những phương pháp nghiên cứu giúp cho nhà nghiên cứu khỏi phải tốn công xây dựng lại những bước đi, những thủ tục mà CTNC đã hoàn tất. Việc phác thảo ra những biểu đồ và bảng số liệu giúp cho nhà nghiên cứu tập trung vào nỗ lực phân tích dữ kiện. Và quan trọng hơn hết, những việc làm đó tạo cơ hội cho (hay nói đúng hơn là bắt buộc) nhà nghiên cứu phải suy nghĩ nghiêm túc về việc làm của mình.

Một điều quan trọng khác là tác giả cần phải bỏ ra một thời gian tĩnh tâm suy nghĩ về thông điệp của CTNC cho cộng đồng khoa học. Trong phần này, tác giả nên viết ra những điểm chính nhằm trả lời các câu hỏi: tại sao làm? thực tế đã làm gì? phát hiện điều gì mới lạ? có ý nghĩa gì?

Tập trung vào những thông tin chính

Mặc dù thành phần độc giả của các tạp chí khoa học có thể rất đa dạng, nhưng đều có một đặc tính chung là bận rộn. Giới khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo… có lẽ chỉ nhìn qua bài báo khoa học một cách nhanh chóng, chứ ít khi có thì giờ nghiền ngẫm từng chi tiết trong bài báo. Tuy rằng phần lớn tác giả nghiên cứu biết điều này, nhưng họ có thể không nghĩ đến khi đặt bút viết bài báo khoa học. Do đó, tác giả nên tự đặt mình vào vai trò của người đọc và suy nghĩ như người đọc bằng cách chú ý đến những gì mà người đọc muốn tìm hiểu: tựa đề bài báo, bản tóm tắt (abstract), những bảng số liệu và biểu đồ.

Phác thảo một cách hệ thống

Tiếp cận và phác họa cấu trúc của một bài báo trước khi đặt bút viết sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho tác giả sau này. Bước đầu tiên đòi hỏi tác giả phải biết tạp chí mà mình muốn gửi bài báo, bởi vì mỗi tạp chí có những yêu cầu khác nhau về hình thức cũng như nội dung. Một khi đã xác định được tạp chí sẽ đăng bài, tác giả cần phải xem qua phong cách và hình thức bài báo mà tạp chí đó quy định. Đặc biệt là phải xem qua các bài báo đã được công bố trên tạp chí đó, như số lượng chữ là bao nhiêu, biểu đồ phải trình bày như thế nào, bảng số liệu phải viết ra sao, trình bày phần tài liệu tham khảo theo cách gì… Phần lớn các tạp chí y khoa và sinh học đều tuân thủ theo các quy định được công bố trong tài liệu Uniform Requyrements for Manuscripts Submitted to Biomedical Journals.

Có nhiều “chiến lược” để thu hút người đọc theo dõi bài báo của mình. Cách tốt nhất và hiệu quả nhất có lẽ là ngắn gọn. Không nên nhầm lẫn giữa sự phức tạp với tính tinh vi. Câu văn cần phải ngắn gọn, đơn giản, nhưng chính xác và trực tiếp đi thẳng vào vấn đề. Cũng cần phải nhận thức rằng, có được một bài báo khúc chiết như thế không phải là điều dễ dàng chút nào – nó đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian và suy nghĩ. Một bài báo khoa học hay cần phải được cấu trúc gọn gàng. Mỗi đoạn văn cần phải có một mục đích hay nói lên được một ý tưởng. Mỗi câu văn phải phục vụ cho mục đích đó. Các đoạn văn phải liên kết với nhau thành một chuỗi ý tưởng phản ánh lý luận cho một thông điệp nào đó. Cấu trúc mà các tạp chí y khoa và sinh học thường sử dụng cho một bài báo là: dẫn nhập, phương pháp, kết quả và thảo luận. Cấu trúc này còn được gọi là IMRAD (Introduction Methods Results And Discussion).

Dẫn nhập

“Nhiệm vụ” thiết yếu nhất trong phần dẫn nhập là phải làm cho người đọc tiếp nhận bài báo và quan tâm đến kết quả của CTNC. Hơn nữa, phần dẫn nhập còn giúp cho người biên tập bài báo hay tổng biên tập tạp chí thẩm định tầm quan trọng của nó. Trong phần dẫn nhập, tác giả phải nói rõ tại sao CTNC ra đời và tại sao người đọc phải quan tâm đến công trình đó.

Phương pháp

Phần phương pháp phải cung cấp một cách chi tiết những gì tác giả đã làm và làm như thế nào trong CTNC. ở đây, tác giả phải cẩn thận quân bình giữa hai nhu cầu: súc tích (vì không thể mô tả tất cả các kỹ thuật với những chi tiết chi li) và đầy đủ (tác giả phải trình bày đầy đủ thông tin sao cho người đọc biết được những gì đã làm). Đạt được sự cân đối giữa súc tích và đầy đủ là một thách thức đối với người viết, và có thể đối với cả người biên tập và nhà xuất bản. Phần phương pháp cần phải cung cấp cho người đọc những thông tin liên quan đến tính khái quát hóa (chẳng hạn như đối tượng nghiên cứu là ai, có tiêu chuẩn nào tuyển chọn đối tượng hay không, hay cách thức chọn mẫu như thế nào…). Có thể bài báo đề ra một phương pháp mới, và trong trường hợp đó, tác giả cần phải chú ý những tên gọi (và ý tưởng) xuất hiện nhiều lần trong bài báo. Tác giả nên suy nghĩ kỹ về những tên gọi này: phải dùng chữ ngắn gọn mà dễ hiểu. Kinh nghiệm người viết bài này cho thấy, trước khi viết cần phải liệt kê ra danh sách những từ hay sử dụng trong bài báo. Không có gì làm người đọc lẫn lộn và khó chịu hơn là việc dùng nhiều từ khác nhau để gọi tên một hiện tượng!

Một cấu trúc cứng nhắc sẽ làm cho phần phương pháp trở thành máy móc. Nhưng đó lại là cấu trúc mà các tạp chí y khoa đòi hỏi các nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên. Trong cấu trúc này, tác giả phải viết dưới các tiêu đề như khái quát, nơi làm nghiên cứu, tiêu chuẩn tuyển chọn đối tượng, chỉ tiêu chính, chỉ tiêu phụ của nghiên cứu, cách đo lường, phương pháp phân tích dữ kiện…

Trong các nghiên cứu khác, tác giả có thể tự mình sáng tạo ra những tiêu đề thích hợp với CTNC. Ngay cả nếu tác giả sau này phải xóa bỏ các tiêu đề này thì bố cục của chúng cũng giúp ích cho tác giả rất nhiều. Có thể dùng một biểu đồ như là một cách mô tả quy trình nghiên cứu (chẳng hạn như thiết kế, tuyển chọn bệnh nhân và phân tích dữ kiện). Nếu cần, tác giả có thể thêm phần phụ lục để cung cấp chi tiết về phương pháp phân tích, mã (codes) dùng trong máy tính, hay phương pháp thu thập dữ kiện cùng phương pháp đo lường (đây là những phương pháp có thể giúp cho người duyệt bài hay người đọc có thể lặp lại thử nghiệm).

Kết quả

Phần kết quả phải được viết một cách ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề nêu ra trong phần dẫn nhập. Tác giả phải trả lời cho được câu hỏi: đã phát hiện gì? Cần phải phân biệt rõ đâu là kết quả chính và đâu là kết quả phụ. Phần kết quả phải có biểu đồ, bảng số liệu và những dữ kiện này phải được diễn giải một cách ngắn gọn trong văn bản. Những số liệu này phải lần lượt trả lời các mục đích mà tác giả đã nêu ra trong phần dẫn nhập. Tất cả các bảng thống kê, biểu đồ và hình ảnh phải được chú thích rõ ràng; tất cả những ký hiệu phải được đánh vần hay chú giải một cách cụ thể để người đọc có thể hiểu được ý nghĩa của những dữ kiện này. Trong phần kết quả, tác giả chỉ trình bày sự thật và chỉ sự thật (facts), kể cả những sự thật mà nhà nghiên cứu không tiên đoán trước được hay những kết quả “tiêu cực” (ngược lại với điều mình mong đợi). Trong phần kết quả, tác giả không nên bình luận hay diễn dịch những kết quả này cao hay thấp, xấu hay tốt, vì những nhận xét này sẽ được đề cập đến trong phần thảo luận.

Thảo luận

Đối với đa số các nhà nghiên cứu, đây là phần khó viết nhất vì nó không có một cấu trúc cố định nào cả. Nói một cách ngắn gọn, trong phần này, tác giả phải trả lời câu hỏi: những phát hiện này có nghĩa gì? Tuy không phải theo cấu trúc cố định nào, nhưng các tác giả có kinh nghiệm thường viết phần thảo luận theo cấu trúc sau: (a) giải thích những dữ kiện trong phần kết quả; (b) so sánh những kết quả này với các nghiên cứu trước; (c) bàn về ý nghĩa của những kết quả; (d) chỉ ra những ưu điểm và khuyết điểm của CTNC; (e) sau cùng là một kết luận sao cho người đọc có thể lĩnh hội được một cách dễ dàng.

Trong phần thảo luận, tác giả phải giải thích, hay đề nghị một mô hình giải thích, tại sao những dữ kiện thu thập được có xu hướng đã quan sát trong cuộc nghiên cứu. Nếu không giải thích được thì nhà nghiên cứu phải thành thật nói không biết. Tác giả còn phải so sánh với kết quả của những nghiên cứu trước và giải thích tại sao chúng khác nhau hoặc giống nhau, và ý nghĩa của chúng là gì. Ngoài ra, nhà nghiên cứu còn phải có trách nhiệm tự mình vạch ra những thiếu sót, trắc trở, khó khăn cùng những ưu điểm của CTNC, cũng như đưa ra các giải pháp khắc phục hay đề xuất hướng nghiên cứu trong tương lai.

Hỗ trợ từ đồng nghiệp

Những bài báo khoa học có giá trị thường là những bài báo đã được xem xét và duyệt đi duyệt lại nhiều lần, kể cả những lần phản hồi (response) hay phản biện lại những phê bình của những người bình duyệt. Điều này đòi hỏi bài báo, trước khi gửi đến một tạp chí, phải được các đồng nghiệp nội bộ đọc và phê bình. Tác giả không nên ngần ngại tiếp nhận những phê bình gay gắt từ đồng nghiệp. Để làm việc này, tác giả cần phải có một danh sách những đồng nghiệp có thể duyệt bài. Những đồng nghiệp này không hẳn phải là những tên tuổi lớn mà có thể là nghiên cứu sinh. Thật ra, các giáo sư ít khi có thì giờ đọc kỹ; chính các nghiên cứu sinh hay đồng nghiệp cấp thấp thường là những người có khả năng và có thì giờ chăm chú, có động cơ để cho ý kiến một cách nghiêm chỉnh. Có hai nhóm đồng nghiệp có thể làm người duyệt bài trước khi gửi đăng tạp chí:

- Những người bình duyệt chung, nhiệm vụ chính của họ là xem xét cách viết của tác giả có dễ hiểu hay không. Bất cứ ai, kể cả những người không cùng chuyên môn, cũng có thể là người duyệt bài trong nhóm này, nhưng người duyệt bài lý tưởng nhất là người có nỗ lực suy nghĩ cẩn thận.

- Những người bình duyệt có cùng chuyên môn, nhiệm vụ của họ là giúp tác giả chuẩn bị để đối phó với những người bình duyệt của tạp chí và ban biên tập. Trong nhóm này, tác giả cần một hay hai thành viên trong cùng chuyên môn và có khả năng “soi mói” chi tiết hay nêu ra những sai sót của bài báo hay CTNC (chẳng hạn như nghiên cứu có đúng phương pháp không, diễn dịch có logic không, kết luận có đi ra ngoài dữ kiện không…). Trong nhóm này, người duyệt lý tưởng là một người “khó tính” sẵn sàng nói thẳng với tác giả những gì họ nghĩ, thậm chí không mấy có cảm tình với ý tưởng của tác giả.

Cải tiến

Muốn trở thành một tác giả khoa học tốt cần phải có thời gian. Một bài báo khoa học thường nhằm vào một vấn đề hẹp. Nhưng tác giả phải có một cái nhìn rộng và lớn hơn khi đọc bài báo của mình. Cần phải đặt bài báo và kết quả nghiên cứu vào một bối cảnh lớn hơn để thấy thành quả ra sao hay những gì cần phải làm tiếp trong tương lai. Nhiều tác giả thiếu kiên nhẫn vì họ chỉ muốn gửi bài báo đi càng sớm càng tốt, nhưng đó không phải là một hành động có hiệu quả cao. Do đó, điều thứ nhất là không nên hấp tấp trong khi viết. Sau khi viết xong bản thảo, có thể để đó vài ngày hay vài tuần. Sau đó, đọc lại và xem xét những chi tiết nào cần thêm hay cần bỏ đi. Đọc đi đọc lại với một cách nhìn mới để xem có gì cần phải phân tích thêm hay không, hay cách diễn dịch số liệu có hợp lý hay không. Kiểm tra lại cách viết và các đoạn văn có ăn khớp với nhau hay không, câu văn có trôi chảy hay không… Sau đó là xem xét đến những chi tiết. ở đây có 2 điểm quan trọng cần phải để ý là: thứ nhất, kiểm tra tính nhất quán (cả số liệu hay dữ kiện và các chú thích phải nhất quán với văn bản, bảng thống kê và biểu đồ); thứ hai, loại bỏ “nhiễu” – tức là những điểm lặp đi lặp lại hay những điểm làm cho người đọc sao lãng thông điệp chính trong bài báo. Có khi cần phải kiểm tra từng chữ một xem nó có thích hợp với mục đích của bài báo hay không. Tránh dùng những từ tối nghĩa, những biệt ngữ khó hiểu, hay những viết tắt mà người ngoài chuyên môn chưa quen biết.

Một bài báo thường phải qua bình duyệt từ ban biên tập của tạp chí. Nếu tạp chí cho tác giả cơ hội trả lời những phê bình này, đó là một bước tiến tích cực. Tuy nhiên, việc trả lời những phê bình của ban biên tập không phải lúc nào cũng là việc làm thoải mái, dù sau khi phản biện thì bài báo sẽ tốt hơn. Trong khi trả lời phê bình, điều tối quan trọng là không nên có thái độ quá chống chế, hay quá công kích người phê bình. Tác giả có nhiệm vụ phải trả lời từng câu hỏi một, từng điểm phê bình một, và trả lời một cách lịch sự. Nếu tác giả không đồng ý với người bình duyệt, tác giả có quyền nói thẳng. Thông thường, sau khi trả lời bình duyệt, bài báo phải có sửa đổi, và tác giả phải thông báo cho ban biên tập biết những chỗ nào đã thay đổi và tại sao thay đổi.

Khoa học là một môi trường hoạt động khá bình đẳng. Công trình của tác giả có người khác bình duyệt, và tác giả cũng có cơ hội bình duyệt công trình của người khác. Thành ra, để giúp đỡ đồng nghiệp và để tự mình cải tiến, tác giả nên nhận lời bình duyệt CTNC của các đồng nghiệp. Nếu cảm thấy học hỏi được một vài điều từ việc trả lời phê bình của người khác, tác giả cũng có thể học hỏi nhiều điều từ việc đọc và phê bình công trình của đồng nghiệp. Qua đọc và xem xét cẩn thận, tác giả sẽ cảm thấy mình trưởng thành và thoải mái với các nguyên lý và sự sắp xếp của các lý giải trong một bài báo khoa học. Làm người bình duyệt là một hình thức tự mình nâng cao kỹ năng nghiên cứu: nhận dạng nhầm lẫn của người khác cũng có nghĩa là nâng cao kỹ năng nhận dạng nhầm lẫn của chính mình.

Ai trong chúng ta cũng muốn là tác giả của những bài báo khoa học tốt, những bài báo mà chúng ta có thể tự hào và hy vọng sẽ được trích dẫn nhiều, được lưu truyền lâu trong tương lai. Tuy nhiên, dù chúng ta có cẩn thận mấy, và bất kể bao nhiêu lần chúng ta đọc đi đọc lại, rà soát, xác suất bài báo có ít nhất là một sai lầm hay lỗi nhỏ đều rất cao. Một cá nhân rất khó mà phát hiện tất cả các lỗi lầm của chính mình. Điều đó có nghĩa là tác giả cần đồng nghiệp, những người đọc và phê bình một cách nghiêm túc và thành thật. Tác giả cần phải bỏ tính tự ái, và không nên sợ hãi trước những phê phán. Theo kinh nghiệm của người viết bài này, những phê phán của đồng nghiệp, dù lớn hay nhỏ, dù gay gắt hay thân thiện, lúc nào cũng giúp cho bài báo trở nên hoàn hảo hơn.

Phần đầu, tôi đã nêu ra vài lý do tại sao cần phải công bố báo cáo khoa học trên các diễn đàn khoa học quốc tế, ở đây tôi muốn nói thêm một lý do quan trọng hơn. Việc công bố báo cáo khoa học trên các diễn đàn khoa học quốc tế là một cách không chỉ nâng cao sự hiện diện, mà còn nâng cao năng suất khoa học của quốc gia đó. ở phương Tây, người ta thường đếm số lượng và số lần trích dẫn bài báo khoa học mà các nhà khoa học công bố trên tạp chí khoa học để đo lường và so sánh hiệu suất khoa học giữa các quốc gia. Hiện nay, trong bất cứ lĩnh vực nào, phải nhìn nhận một thực tế là hiệu suất khoa học của nước ta chưa cao. Phần lớn các CTNC tại nước ta chỉ được kết thúc bằng những buổi nghiệm thu hay luận án. Đối với hoạt động khoa học, cho dù công trình đã được nghiệm thu hay đưa vào luận án, nếu chưa được công bố trên các diễn đàn khoa học quốc tế thì công trình đó coi như chưa hoàn tất, bởi vì nó chưa qua “thử lửa” với môi trường rộng lớn hơn.


Để kết thúc bài viết này, tôi xin mượn một câu nói của Khổng Tử: “Nếu dùng ngôn ngữ không đúng, thì những gì được phát biểu sẽ bị hiểu sai; nếu những gì phát biểu bị hiểu sai, thì những gì cần phải làm sẽ không thực hiện được; và những gì không thực hiện được, đạo đức và nghệ thuật sẽ trở nên tồi tệ hơn”. Và tôi cũng có thể thêm rằng, nước nhà sẽ thiệt thòi hơn.

http://sinhhoc.blogspot.com Theo TC Hoạt động khoa học
Posted by Unknown
Blog sinh học: Cây ngô – nghiên cứu và sản xuất


MỤC LỤC

Chương 1: NGUỒN GỐC, TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN VÀ GIÁ TRỊ 

Chương 2: ĐẶC ĐIỂM SINH VẬT HỌC 

Chương 3: CÁC GIAI ĐOẠN SINH TRƯỞNG, PHÁT TRIỂN VÀ YÊU CẦU NGOẠI CẢNH  

Chương 4: ĐA DẠNG DI TRUYỀN CÂY  NGÔ

Chương 5: DI TRUYỀN VÀ CHỌN TẠO GIỐNG NGÔ 

Chương 6: KỸ THUẬT TRỒNG NGÔ 
Posted by Unknown

Monday, January 7, 2013


Trong hàng vạn người yêu lan, có hàng ngàn người mê lan. Trong hàng ngàn người mê lan, có hàng trăm người say lan. Trong hàng trăm người say lan đó, không biết có ai dám chết vì lan không, nhưng đã có người lên diễn đàn phán một câu xanh rờn như thế này: “Mê lan hơn mê vợ!” Chết thật!
Mặc dù hoa lan được ví là loài hoa vương giả, nhưng thú chơi lan có thể nói là thú chơi bình dân, không phân biệt xiền ít hay xiền nhiều. Rất dễ dàng để tìm cho mình một giò lan để chăm sóc và ngắm nghía!
Những ai chơi lan mới chập chững bước vô “nghề chơi” (như tui đây) phải trang cho mình bị những kiến thức căn bản a bờ cờ về lan. Ví như cách phân loại nhận biết lan này lan kia, phân bố vùng địa lý của chúng, cách chăm sóc, tưới tắm, bón phân, phòng trị bệnh, ẩm độ, ánh sáng cho lan… Ôi thôi rồi, đủ cả!
Phức tạp là thế nên không ai một lúc biết hết tất cả. Từ từ mà học hỏi, đúc rút kinh nghiệm sau vài vụ đau thương. Thế là ổn!
Nói chung, cái thú này đòi hỏi phải kiên trì. Nếu bạn mê công nghệ và ví tiền rủng rỉnh thì mọi việc quá ư đơn giản. Chơi lan không phải vậy, có tiền tất nhiên sẽ mua được nhiều giò lan đẹp (hội chợ hoa thiếu gì), nhưng chắc chắn đó không phải là mục đích chính của người chơi lan. Có những niềm vui nho nhỏ khi giò lan mình chăm sóc mọc ra những chồi mới hay bắt đầu trổ hoa, rầu rĩ như mất sổ gạo khi thấy chúng héo úa, không còn sức sống (đa phần là do sự chăm sóc tưới tắm quá chu đáo của chủ nhân he he)
Nói gì thì nói, mê gì thì mê chứ mê lan hơn mê vợ là tui hổng có đồng ý! Hai phạm trù này khác hẳn nhau, mang tính chất bổ sung chứ không đối lập! (phải xem lại đoạn này). Hơn nữa, mục đích khi viết ra entry không đầu không đuôi này chẳng qua là “hợp thức hóa” việc tặng sách cho bà con. Có mấy cuốn sách nhỏ về lan tui upload lên đây, hy vọng đáp ứng phần nào nhu cầu tài liệu tham khảo cho các huynh đệ lỡ “xui xẻo” mê loài hoa này. Xin mời các bác download theo các link dưới.
1. Trồng Hoa Lan. Tác giả: Nguyễn Công Nghiệp. NXB Trẻ
2. Phong Lan Việt Nam. Tác giả: Trần Hợp. NXB Nông Nghiệp 1998
3. Cây Cỏ Việt Nam (tập 3, trang 761 – 968). Tác giả: Phạm Hoàng Hộ. NXB Trẻ 1999
Nguồn: THUANPHONG’s blog 
Posted by Unknown
Blog sinh học: “Cây cỏ Việt Nam” là một công trình đồ sộ của giáo sư Phạm Hoàng Hộ – bảo bối gối đầu giường của những người làm công tác nghiên cứu thực vật học. Sách do Nhà xuất bản Trẻ phát hành.
Bản PDF của cuốn sách này do một người bạn – blogger Nguyễn Thuận Phong - sưu tầm. Xin [tiếp tục] chia sẻ đến anh chị em sinh viên và những người yêu thích cỏ cây.
http://sinhhoc.blogspot.com - Blog sinh học
Thay lời tựa
  • Phạm Hoàng Hộ
Thựcvậtchúng Việt Nam có lẽ gồm vào khoảng 12.000 loài. Đó là chỉ kể các cây có mạch, chứ không kể các rong, rêu, nấm.
Nước ta có một trong những thựcvậtchúng phong phú nhất thế giới. Pháp chỉ có khoảng 4.800 loài, Âu Châu có khoảng 11.000 loài, Ấn Độ, theo Hooker có khoảng 12 – 14.000 loài. Với một diện tích to hơn nước ta đến 30 lần, Canada chỉ có khoảng 4.500 loài, kể cả loài du nhậpGần ta, chỉ có Malaysia và Indonesia nhập lại, rộng bằng 6 lần nước ta, mới có số loài cao hơn: số loài phỏngđịnh vào 25.000 (nhưng hiện chỉ biết vào 5.000).
Nguyên nhân của sự phong phú ấy phức tạp. Trước hết Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới thuận lợi cho sự sinh sôi nẩy nở của cây cỏ. Việt Nam không có sa mạc. Lại nữa, Việt Nam nằm trên khối Indosinias của vỏ trái đất bền vững từ mấy triệu năm nay, không chìm ngập dưới biển bao giờ. Rồi vào nguyên đại đệ tứ , Việt Nam không bị băng giá phủ xua đuổi các loài., có khi không trở lại được như ở nhiều nơi. Sau rốt, Việt Nam lại là đường giao lưu giữa hai chiều thực vật phong phú của miền nam Trung Quốc, của Malaysia, Indonesia, và trong quá khứ gần đây, Philippines còn được nối liền với ta. Nên, nếu ở rừng Amazon, trung bình ta gặp được 90 loài/ha, ở Đông Nam Á, ta đếm đến được 160 loài/ha.
Sự phong phú ấy là một diễm phúc cho dân tộc Việt Nam, Vì, như tôi đã viết (1968) “…Hiển hoa là ân nhân vô giá của loài Người: hiển hoa cho ta nguồn thức ăn căn bản hàng ngày; Hiển hoa cung cấp cho ta, nhất là người Việt Nam nơi sinh sống an khang. Biết bao cuộc tình duyên êm đẹp khởi đầu bằng một miếng Trầu, môt miếng Cau. Hồi xưa, mấy ai chúng ta đã không chào đời bằng một mảnh tre để cắt rún, rời nhau? Lúc đầy nguồn sống, lúc nhàn rỗi, lúc nhàn rỗi, chính Hiển hoa cung cấp nguồn sống cho loài người thức uống ngon lành để say sưa cùng vũ trụ. Lúc ốm đau, cũng chính cây cỏ giúp cho ta dược thảo diệu linh…”
Các điều ấy rất đúng hơn với chúng ta, người Việt Nam, mà ở rất nhiều nơi, dân còn sống một nền văn minh dựa trên thực vật.
Những ân nhân của chúng ta ấy đang bị hiểm họa biến mất, tuyệt chủng, vì rừng nước ta đã bị đẩy lùi đến dưới mức độ an toàn, đất màu mỡ đã bị xói mòn mất ở một diện tích lớn, và cảnh sa mạc đang bành trướng mau lẹ. Đã đến lúc theo tiếng nhạc của một bài ca, ta có thể hát: “Thần dân nghe chăng? Sơn hà nguy biến. Rừng dày nào còn. Xói mòn đang tiến…Đâu còn muôn cây làm êm ấm núi sông…”  Kho tàng thực vật ấy, chúng ta có phận sự phải bảo tồn. Sự bảo tồn và phục hồi thiên nhiên ở nước ta là rất cấp bách. Chúng ta có thể thực hiện, vì mỗi người của chúng ta dù lớn, dù nhỏ đều có thể góp phần vào sự bảo tồn ấy. Yêu nước không phải chỉ cầm súng chiến đấu, hiến thân vì tổ quốc mà thôi. Thời bình, người kinh doanh tạo ra nhiều công ăn việc làm mới cho nhân dân, cũng đáng phục, đáng ca tụng? Và chúng ta? Bằng những cử chỉ nhỏ hằng ngày, sự đóng góp của chúng ta quan trọng không kém: Không quăng bậy một tia lửa, một tàn thuốc, là ta đã góp phần tránh nạn cháy rừng. Không đốn bậy một cây, là ta đã bảo vệ thiên nhiên của ta. Trồng cây không những là phận sự của nhà nước, hay của các công ty lâm nghiệp. Chung quanh nhà chúng ta, chúng ta có thể tìm trông một cây lạ, đặc biệt, hiếm của vùng hay chỉ có ở Việt Nam. Nhân dân ta yêu cây cảnh, hoa kiểng, nhưng những ai nhàn rỗi cũng có thể trồng một cây lạ hoặc một cây nào đó vào khoảng đất trống, là một nghĩa cử, là một thú tiêu khiển không kém hay, đẹp.

Giáo sư Phạm Hoàng Hộ
Thựcvậtchúng của ta với cả vạn cây cỏ như vậy nhưng mỗi loài đều có tên tuổi và nhiều đặc tính riêng của nó vô cùng lý thú. Dù bạn ở nông thôn hay thành thị, mỗi ngày khi bạn bước ra khỏi nhà, bạn đều sẽ gặp không chỉ cây này thì cỏ nọ, có khi nào bạn nghĩ rằng mình cần phải biết tên của chúng không? Rất cần đó bạn ạ, nếu ta biết mặt, biết tên của một cây, một cỏ, và rồi khi chúng ta đi đâu đó, nếu như gặp một người bạn thân quen, có lẽ sẽ đỡ lẻ loi và chuyến đi ấy sẽ có ý nghĩa hơn không? Cây cỏ, như trên đã nói, không phải là “cỏ cây vô loại” mà là những ân nhân nuôi dưỡng chúng ta, che chở, bảo vệ chúng ta, thậm chí còn chữa bệnh cho chúng ta nữa… Hy vọng rằng tập sách nhỏ này sẽ giúp cho các bạn trẻ nhận biết và làm quen nhiều hơn với những người bạn thiên nhiên hữu ích này.
——————————————————————————
CÂY CỎ VIỆT NAM (3 QUYỂN)
Nguồn: THUANPHONG’s và phanhoaivy's blog 

Posted by Unknown

Saturday, November 17, 2012

"Ra lệnh" cho trái cây chín vào thời điểm mà con người mong muốn có thể trở thành hiện thực sau khi các nhà khoa học phát hiện một gene đặc biệt.

Cây cối có khả năng quang hợp nhờ các lục lạp trong tế bào. Tốc độ quang hợp của lục lạp quyết định thời gian chín của trái cây. Khi trái chín, cây sản xuất các chất tạo màu khiến vỏ trái có màu sắc khác biệt so với khi chưa chín.

Trong một bài trên tạp chí Science, các nhà khoa học của Đại học Leicester tại Anh tuyên bố họ đã tìm ra cơ chế tác động tới tốc độ chín của quả. Họ phát hiện một gene điều khiển quá trình quang hợp trong lục lạp. Bằng cách gây đột biến gene này, nhóm nghiên cứu có thể thay đổi tốc độ phát triển của tế bào thực vật và điều khiển quá trình sản xuất sắc tố màu sáng trong trái.

Bằng cách biến đổi gene, các nhà khoa học Anh có thể điều khiển trái cây chín đúng vào thời điểm mà họ muốn.
Bằng cách biến đổi gene, các nhà khoa học Anh có thể
điều khiển trái cây chín đúng vào thời điểm mà họ muốn.

Giáo sư Douglas Kell, giám đốc điều hành Hội đồng Nghiên cứu Công nghệ Sinh học và Các ngành sinh vật Anh, cho biết, quá trình sinh trưởng của thực vật có thể xảy ra rất nhanh nhờ kỹ thuật biến đổi gene.
"Nông dân có thể thu hoạch trái cây và rau vài ngày sau khi trồng", ông khẳng định.

Nhóm nghiên cứu của Đại học Leicester đã đăng ký bản quyền đối với kỹ thuật mới của họ, đồng thời đang thử nghiệm nó trên những cây cà chua, ớt cảnh, cam, quýt. Họ khẳng định kỹ thuật mới sẽ giúp nông dân tăng hoặc giảm tốc độ chín của cây trồng để tránh những giai đoạn thời tiết bất thường. Chẳng hạn, họ có thể kích thích trái chín nhanh trước khi bão, lũ ập tới. Ngoài ra, nông dân có thể điều khiển để trái chín trước hoặc sau giai đoạn cao điểm của mùa vụ, nhờ đó họ sẽ thu được lợi nhuận cao hơn.

"Chúng tôi đang thử nghiệm kỹ thuật trên cà chua. Vì thế tôi nghĩ rằng trong vòng một năm chúng tôi sẽ biết kỹ thuật phát huy tác dụng đúng như lý thuyết hay không. Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kỳ vọng của chúng tôi, kỹ thuật mới sẽ là một thành tựu mang tính đột phá trong nông nghiệp", giáo sư Paul Jarvis, trưởng nhóm nghiên cứu, phát biểu.
Theo VNE
Posted by Unknown

Thursday, October 18, 2012

Thói quen mặc áo ngực của phụ nữ và thói quen không gối đầu (gối đầu thấp) là những thói quen đang ảnh hưởng đến sức khoẻ của bạn từng ngày.

Các nhà nghiên cứu y khoa cho thấy các thói quen này có thể thúc đẩy bệnh tật. Tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi các thói quen và hành vi để có một cuộc sống khoẻ mạnh.

Chúng ta có thể ngăn chặn bệnh uAlzheimer, ngăn ngừa bệnh ung thư vú và thúc đẩy sức khỏe tối ưu bằng cách thực hiện một số thay đổi (đơn giản) với thói quen hàng ngày. Phòng chống bệnh dễ dàng hơn bạn nghĩ - hãy học cách sống phù hợp với quy luật tự nhiên.

Một cảnh báo đối với tất cả các phụ nữ là việc mặc áo ngực sẽ làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư vú.
Mặc dù điều này nghe có vẻ lạ nhưng các chuyên gia y tế đang bắt đầu quan tâm đến tính an toàn của một chiếc áo ngực. Sự thật là một chiếc áo ngực có thể làm giảm lưu thông mạch máu ở ngực, điều này có thể dẫn đến phù mô, u nang và sự tích luỹ các chất độc. Nếu các chất độc này không được hệ bạch huyết hoá giải, chúng sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của tế bào ung thư vú.

Thật thú vị, chỉ sau một vài tuần không mặc áo ngực, nhiều phụ nữ cho biết họ cảm thấy ít tức ngực, sưng và u nang hơn. Nếu vì một lí do nào đó việc mặc áo ngực là cần thiết (ví dụ như khi tập thể dục), thì hãy cởi nó ra ngay khi có thể. Ngoài ra, massage ngực là một cách tuyệt vời giúp lưu thông máu và giảm nguy cơ tích tụ các chất độc.

Thói quen ngủ không tốt có thể tạo quá nhiều áp lực lên não
Thói quen ngủ không tốt có thể tạo quá nhiều áp lực lên não

Chúng ta đều biết rằng các bệnh như chứng đau nửa đầu, đột quỵ giấc ngủ, ngừng thở, co giật và bệnh Alzheimer là những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Để cải thiện tuần hoàn não bạn nên kê cao đầu khi ngủ. Nằm ngủ phẳng toàn thân là một tư thế ngủ không khoa học dễ dẫn đến sự ngưng thở khi ngủ, SIDS (hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh) và đột quỵ.
Phạm Thị Bích Thu (Naturalnews)
Posted by Unknown

Tuesday, October 9, 2012

Dốc sức học một loại ngoại ngữ mới có thể làm tăng kích thước đáng kể của một số khu vực não bộ, theo nghiên cứu mới của các chuyên gia Thụy Điển.

Đó là kết luận rút ra sau cuộc nghiên cứu trên nhóm tân binh ở Học viện Phiên dịch các lực lượng quân đội Thụy Điển, những người học ngoại ngữ nhanh thần tốc, từ việc chẳng biết tí gì những ngôn ngữ như Ả Rập, Nga, đến mức sử dụng thành thạo chúng chỉ trong vòng 13 tháng.

Học ngoại ngữ được chứng minh có thể làm não tăng trưởng
Học ngoại ngữ được chứng minh có thể làm não tăng trưởng

Các chuyên gia của Đại học Lund đã so sánh nhóm trên với một nhóm sinh viên đại học cũng học chuyên sâu nhưng không phải về ngoại ngữ, và phát hiện một số phần cụ thể trên não của nhóm sinh viên ngoại ngữ đã thực sự phát triển.

Phần tăng về kích thước là hồi hải mã, một cấu trúc nằm sâu trong não có liên quan đến tình trạng học hỏi cũng như định hướng, và ba khu vực ở vỏ não.

“Chúng tôi ngạc nhiên khi thấy những phần khác biệt của não phát triển ở nhiều mức độ khác nhau dựa trên khả năng thể hiện của sinh viên cũng như nỗ lực mà họ bỏ ra để theo kịp khóa học”, website Science Daily dẫn lời chuyên gia Martensson.

Một số nghiên cứu trước đây cho thấy chứng mất trí nhớ Alzheimer thường xảy ra muộn hơn so với những người biết nhiều hơn một ngôn ngữ.

Cuộc nghiên cứu trên cũng chứng tỏ rằng việc học ngoại ngữ mới là phương pháp tốt giúp não duy trì được phong độ qua thời gian.
Theo Thanh Niên
Posted by Unknown