Sau thời gian dài chờ đợi, những cây sâm vô tính được PGS-TS Dương Tấn Nhựt - Phó viện trưởng Viện Sinh học Tây Nguyên (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) đưa ra trồng ở núi Ngọc Linh (Kon Tum) đã có các thành phần hợp chất saponin chủ yếu của sâm Ngọc Linh...
Đã có chất saponin trong cây sâm vô tính 17 tháng tuổi.
“Thành công mang tầm vóc quốc tế...”
PGS-TS Trần Công Luận - Giám đốc Trung tâm Sâm và Dược liệu TP.HCM cho biết như vậy khi phân tích xong 3 mẫu sâm vô tính 17 tháng tuổi của PGS-TS Dương Tấn Nhựt trồng ở núi Ngọc Linh.
Về hình thái bên ngoài, cây sâm vô tính 17 tháng tuổi này tương tự như sâm 24 tháng tuổi trồng từ hạt với phần thân khi sinh có 2 lá kép, chiều cao của thân chỉ bằng 1/2 - 2/3 so với cây sâm 24 tháng tuổi trồng từ hạt; phần thân rễ và rễ củ cũng có nhân dạng như sâm trồng tự nhiên 24 tháng tuổi…
Qua phân tích, ba hợp chất saponin chủ yếu và chiếm hàm lượng cao trong sâm Ngọc Linh tự nhiên đều có trong thân rễ và rễ củ của sâm trồng vô tính 17 tháng tuổi.
Hàm lượng saponin toàn phần có được trên 3 hợp chất chủ yếu của sâm trồng vô tính 17 tháng tuổi này thấp hơn sâm 24 tháng tuổi trồng từ hạt tại Trà Linh (Quảng Nam) nhưng lại cao hơn so với sâm trồng từ hạt được di thực về Đà Lạt.
Cũng theo PGS-TS Trần Công Luận, bước đầu có thể nói đây là một thành công của dòng sâm trồng từ nhân giống vô tính và mở ra một triển vọng để phát triển và chủ động được giống. Tuy nhiên, sâm Ngọc Linh là cây đa niên, muốn thu hoạch cần ít nhất 5 năm trở lên; trong khi đó, kết quả phân tích mẫu sâm vô tính vừa nêu dựa trên những cây 17 tháng tuổi.
Vì vậy, cần có thêm thời gian để đánh giá sự phát triển sinh khối và tích lũy hoạt chất của sâm vô tính. “Thành công này mang tầm vóc quốc tế vì chưa có một nghiên cứu nào đạt được ở trong và ngoài nước về nhân giống sâm vô tính” - PGS.TS Luận nói.
Hi vọng cho thương hiệu sâm Việt Nam
Dù mới được biết đến từ năm 1973, nhưng qua nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy, sâm Ngọc Linh có tác dụng bồi bổ cơ thể, chống suy nhược, chống stress, chống lão hóa, kháng khuẩn, cải thiện chức năng gan...
Sâm Ngọc Linh không chỉ là loài sâm quý của Việt Nam mà của cả thế giới. Loài cây này có giá trị kinh tế cao (giá trên thị trường hiện nay khoảng trên dưới 20 triệu đồng/kg sâm tươi, cao gấp 3-4 lần so với sâm Mỹ, sâm Triều Tiên, và giá sâm khô cũng trên dưới 100 triệu đồng/kg). Do được mệnh danh là “cây vàng cây bạc” nên sâm Ngọc Linh bị khai thác quá mức, có nguy cơ tuyệt chủng (sâm Ngọc Linh đã có tên trong Sách Đỏ Việt Nam).
Cây sâm vô tính đã sống được ngoài tự nhiên và chỉ sau 8 tháng đã có thể hình thành củ.
Hiện nay, nguồn cung cấp sâm Ngọc Linh còn rất hạn chế do loài sâm này chỉ được trồng tập trung ở vùng núi Ngọc Linh và thời gian trồng từ hạt cho đến khi thu hoạch củ mất 5 - 7 năm. Hiện nhu cầu cây giống sâm Ngọc Linh rất cao, nhưng trồng bằng hạt thì rất khó khăn bởi ảnh hưởng của nhiều yếu tố như thời tiết, động vật ăn (hạt) nên tỷ lệ nảy mầm bình thường chỉ đạt 50 - 60%, thậm chí có khi chỉ đạt 20 - 30%. Chưa kể quá trình cây sâm sinh trưởng, phát triển và cho ra hạt cũng phải 4-5 năm, hơn nữa giá thành cây giống cũng rất cao...
Năm 2008, Viện Sinh học Tây Nguyên chủ trì đề tài “Nghiên cứu nhân giống vô tính và sản xuất sinh khối rễ cây sâm Ngọc Linh”, với mục tiêu nghiên cứu nhân giống vô tính cây sâm Ngọc Linh để cung cấp cây giống và nhân sinh khối rễ sâm bằng hệ thống nuôi cấy bioreactor.
PGS-TS Dương Tấn Nhựt, chủ nhiệm đề tài cho biết, đến nay đã có kết quả khả quan, cây sâm vô tính không chỉ sống được ngoài tự nhiên với tỷ lệ cao (trên dưới 85%), mà sau 8 tháng trồng đã có 35% cây sâm hình thành củ (dái củ).
Kết quả này cho thấy quá trình sinh trưởng và phát triển của cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy in vitro (nuôi cấy mô) vượt xa nhiều so với cây sâm Ngọc Linh trồng bằng hạt (cây tự nhiên từ khi gieo hạt đến lúc hình thành dái củ mất ít nhất 2 năm).
Theo PGS-TS Trần Công Luận, thời gian vẫn còn quá ngắn để có thể đánh giá được ưu nhược của cây sâm trồng vô tính so với cây sâm trồng hữu tính. Nhưng về kỹ thuật, nhân giống vô tính có ưu thế về việc chủ động được số lượng giống, thời gian tạo cây con làm giống (3 tháng) ngắn hơn nhiều so với chu kỳ thu hạt hằng năm của giống hữu tính (khoảng 1 năm)…
“Cơ sở khoa học đã đầy đủ, những người nghiên cứu mong muốn có một Trung tâm sâm Việt Nam tại Tây Nguyên để nghiên cứu sâu hơn, toàn diện hơn về giống và phát triển vùng sâm, di thực đến những vùng có độ cao tương tự hoặc điều kiện sinh thái tương đồng. Nhà nước cần đầu tư hơn nữa để mở rộng diện tích sản xuất nhằm sớm đưa cây sâm thành cây hàng hóa”, PGS-TS Dương Tấn Nhựt thổ lộ.
Nguồn tin: Thanh niên