Chuyến khảo sát phối hợp giữa Viện Sinh học Nhiệt đới và Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát cùng các nhà nghiên cứu đến từ Pháp và Anh, vào tháng 08/2011 đã xác nhận sự tồn tại của loài cây nắp ấm Thorel (Nepenthes thorelii Lecomte) ở Việt Nam sau một thời gian dài vắng bóng.
Nắp ấm Thorel là loài cây đặc hữu của khu vực Đông Dương, trông rất giống và dễ nhầm lẫn với 9 loài nắp ấm khác đã được ghi nhận ở Lào, Camphuchia, Thái Lan và Việt Nam. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí quốc tế về cây thuốc Planta Medica năm 1998 đã chứng minh loài cây nắp ấm Thorel chứa nhóm naphthoquinones có hoạt tính chống sốt rét. Kể từ sau khi Thorel thu được mẫu vật của loài này cho đến gần đây chưa có một ghi nhận chính thức nào chứng minh loài nắp ấm Thorel còn tồn tại ngoài tự nhiên. Điều này càng được khẳng định khi các nhà nghiên cứu gồm François Mey (người Pháp, gốc Campuchia), Charles Clarke (người Úc), Alastair Robinson (người Anh) và Lưu Hồng Trường đã nỗ lực tìm kiếm cây Nắp ấm Thorel ở khu vực Đông Dương nhưng không thu được kết quả. Hy vọng được thắp lên khi TS. Vũ Ngọc Long (Viện Sinh học Nhiệt đới) tình cờ chụp được hình ảnh một loài cây giống cây Nắp ấm Thorel trong một chuyến khảo sát ở vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát. Dựa trên bức ảnh này, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát kỹ và tìm được loài này ngoài tự nhiên ở khu vực Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát. Việc phát hiện lại loài này ở Việt Nam sau hơn 100 năm là sự ghi nhận đáng quý, góp phần khẳng định giá trị độc đáo của thiên nhiên nước ta. Tính tới thời điểm này, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát là địa điểm duy nhất có thể tìm thấy loài này trong tự nhiên. Với số lượng cá thể được tìm thấy ít hơn 100, nắp ấm Thorel đang ở tình trạng bị đe dọa tuyệt chủng cao. Theo tiêu chuẩn Sách đỏ của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) về xếp loại tình trạng bị đe dọa của các loài, nắp ấm Thorel nên được xếp ở tình trạng Cực kỳ nguy cấp. Do vậy, cần tiến hành các biện pháp bảo vệ chặt chẽ loài này cùng sinh cảnh của nó, ngăn chặn các biện pháp khai thác đồng thời có kế hoạch phục hồi loài này nhằm bảo tồn một nguồn gene quý hiếm, độc đáo của nước ta. | |
Theo Thiennhien |
Sunday, June 3, 2012
Friday, June 1, 2012
Các nhà nghiên cứu Mỹ vừa phát hiện một loại protein mới trong máu của bệnh nhân nhiễm virus HIV có khả năng kìm hãm sự phát triển của loại virus chết người này, theo hãng tin IANS.
Người đứng đầu nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Paolo Lusso tại Viện Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và dị ứng (Mỹ) cho hay, protein mới được gọi là CXCL4 hay PF-4 nằm trong nhóm protein hỗ trợ điều khiển sự di chuyển của các tế bào miễn dịch xung quanh cơ thể. Những protein này cũng như CXCL4 có thể điều khiển mức độ sao chép virus trong người nhiễm HIV, tác động quá trình phát triển của virus. Tuy nhiên, CXCL4 và bốn loại protein được phát hiện trước đó có nhiều điểm khác biệt. Chẳng hạn, CXCL4 đánh chặn trực tiếp lớp ngoài của virus HIV, trong khi những protein kia kìm hãm sự lây nhiễm của virus này bằng cách ngăn chặn một trong hai tế bào thụ cảm được gọi làCCR5 và CXCR4 mà virus dùng để xâm nhập tế bào miễn dịch. Theo tiến sĩ Lusso, vị trí CXCL4 chặn đứng lớp vỏ bên ngoài của virus HIV dường như không giống với những vị trí khác vốn là mục tiêu của các loại thuốc hay kháng thể chống loại virus này. Nhóm của ông Lusso cùng một số nhà khoa học khác đang xác định vị trí này, vốn có cấu trúc tinh thể cấp nguyên tử. Từ đó, các nhà nghiên cứu có thể tìm ra cách điều trị hay bào chế vắc-xin phòng chống HIV hiệu quả hơn. |
Theo Thanh Niên |
Lần đầu tiên, một nhóm nhà khoa học quốc tế đã giải mã thành công bộ gene cà chua, mở đường cho nghiên cứu các biện pháp nâng cao hàm lượng dinh dưỡng, tạo mùi vị hấp dẫn hơn cũng như kéo dài vòng đời của loại cây này.
Theo công trình nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Tự nhiên (Nature) của Anh số ra ngày 30/5, hơn 300 nhà nghiên cứu đến từ 14 quốc gia trên thế giới đã tiến hành phân tích cấu trúc gene của hai loại cà chua là các giống cà chua đã được lai tạo và cà chua mọc tự nhiên có xuất xứ từ Nam Mỹ. Ông Francisco Camara, chuyên gia thuộc Trung tâm Điều chỉnh gene của Tây Ban Nha, cho biết cà chua là một trong những loại cây trồng phổ biến nhất trên thế giới. Kết quả giải mã bộ gene cà chua sẽ giúp con người hiểu biết sâu sắc hơn về sự tăng trưởng của các loài thực vật bậc cao khác, từ đó tìm ra các biện pháp hữu ích cho ngành nông nghiệp trong tương lai. Cà chua thuộc họ Cà, hay còn gọi là họ Khoai tây (tên khoa học là Solanaceae) - gồm cả các loại cây có giá trị dinh dưỡng cao khác như khoai tây, hạt tiêu, cà tím cũng như một số loại cây thảo dược và cây gia vị khác... Trước đó, các nhà khoa học đã giải mã bộ gene gạo, ngô, lúa mỳ, đậu tương, táo và dâu tây. |
Theo Vietnam+ |
Monday, May 28, 2012
Trong các bộ phim giả tưởng, tay và chân của siêu nhân mọc lại sau khi chúng bị chặt đứt. Các nhà khoa học khẳng định một ngày nào đó người bình thường cũng sẽ có khả năng tương tự.
Một số động vật lưỡng cư có thể tái tạo những bộ phận bị mất hoặc tổn thương trên cơ thể chúng. Chẳng hạn, khi loài giông mất chi, một bướu nhỏ sẽ nhanh chóng hình thành phía trên vết thương. Người ta gọi nó là mầm gốc (blastema). Trong vòng vài tuần mầm gốc biến đổi thành một chi mới có khả năng hoạt động y hệt chi cũ và không để lại sẹo.
Ban đầu giới khoa học cho rằng khả năng tái tạo bộ phận cơ thể của giông không liên quan tới cơ chế lành vết thương ở người. Nhưng các nhà nghiên cứu của Đại học Florida (Mỹ) mới phát hiện ra rằng khả năng này không quá bí hiểm và kỳ diệu như người ta vẫn tưởng. Thậm chí chúng ta còn có thể tìm ra cách ứng dụng nó trên cơ thể người.
“Khả năng hồi sinh bộ phận cơ thể của giông rất giống quá trình lành vết thương ở động vật có vú. Chúng ta có quyền hy vọng rằng, một ngày nào đó loài người sẽ có khả năng tự tái tạo các mô”, giáo sư Malcolm Maden, một nhà sinh học của Đại học Florida, phát biểu.
Maden và cộng sự nghiên cứu giông Axolotl – loài có nguồn gốc từ Mexico và có khả năng tái tạo mọi bộ phận, kể cả tim. Ban đầu họ nghĩ rằng một loại tế bào có tên "pluripotent" trong cơ thể giông có thể biến thành mọi mô, bộ phận trên cơ thể chúng khi cần thiết. Nhưng sau đó nhóm chuyên gia phát hiện quá trình tái tạo bộ phận cơ thể của giông chỉ phức tạp hơn một chút so với quá trình làm lành vết thương ở người và động vật có vú.
Tế bào gốc là tác nhân gây nên hai quá trình trên. Song ở giông, tế bào gốc có khả năng nhận ra tế bào cùng loại. Vì thế chúng tự sắp xếp theo thứ tự chính xác để tái tạo bộ phận bị mất hoặc tổn thương. Tế bào gốc ở động vật có vú có thể làm lành vết thương hoặc nối liền những đoạn xương gãy, nhưng chúng không thể tái tạo chi hoặc dây thần kinh cột sống.
Nhóm nghiên cứu khẳng định bắt chước khả năng tái tạo chi của giông là việc mà nền khoa học hiện nay có thể làm được. Cơ chế tái tạo của giông hoàn hảo đến nỗi nó không để lại sẹo. Con người cũng có thể học được cơ chế đó. Maden cho biết nhóm của ông sẽ tiếp tục nghiên cứu để tìm hiểu xem tại sao tế bào gốc của giông lại có thể nhận ra nhau và tự sắp xếp theo trình tự chính xác để tái tạo bộ phận cơ thể. “Nếu bạn hiểu nguyên nhân khiến giông có thể tái sinh bộ phận cơ thể thì bạn cũng sẽ hiểu tại sao động vật có vú không làm được điều tương tự”, ông nói. | ||
Minh Long - Vnexpress (Theo Telegraph) |
Saturday, May 26, 2012
Mới đây, các nhà khoa học Đan Mạch phát hiện một loài vi khuẩn sống dưới đáy sâu của Thái Bình Dương không cần ăn uống mà vẫn tồn tại suốt 86 triệu năm.
Sau khi tiến hành phân tích mẫu đất sét mềm màu đỏ dưới đáy hải lưu Pacific Gyre (khu vực biển hầu như không có sinh vật nào tiếp cận được đáy), các nhà nghiên cứu đã tìm thấy vi khuẩn cực hiếm này. “Cứ 1.000 năm, loài vi khuẩn trên mới phát triển được khoảng 1mm. Chúng đã xuất hiện dưới mặt đáy cách đây khoảng 86 triệu năm về trước chỉ với một hộp thức ăn. Điều đó chứng tỏ, chúng phải mất hàng nghìn năm để ăn và tiêu hóa hết lượng thức ăn tương đương với cơ thể mình” - Roy nói. Theo Roy và các đồng nghiệp, vi khuẩn này có quá trình trao đổi chất chậm nhất thế giới với điều kiện sống thiếu oxy và chất dinh dưỡng để giúp chúng tồn tại. Hiện tại, các nhà nghiên cứu chưa thể xác định chính xác tuổi đời của loài sinh vật này. Chúng có thể được tái tạo nhưng rất chậm với vạch xuất phát kể từ thời khủng long. Nếu tái tạo thành công loài sinh vật này, các nhà khoa học có thể mở ra cơ hội phát triển sản phẩm chống lão hóa hiệu quả, giúp nâng cao tuổi thọ con người.
Tham khảo: Daily Mail
|
Theo Tiền Phong, Daily Mail |
Gần đây, người dân Trung Quốc hốt hoảng khi biết nước máy họ đang sử dụng bị nhiễm thuốc tránh thai.
Sau khi thành phần phổ biến trong hầu hết các loại thuốc tránh thai hoàn thành nhiệm vụ ngăn chặn mang thai ngoài ý muốn, nó sẽ bắt đầu cuộc đời thứ hai với vai trò chất gây ô nhiễm“cứng đầu”, làm biến đổi giới tính của nhiều động vật. Cụ thể, chất ethinyl estradiol trong thuốc tránh thai không chỉ gây tác động mạnh, như khiến cá và động vật lưỡng cư bị chuyển giới - mà việc loại bỏ nó khỏi nguồn nước là cực kỳ khó, nên chất này thường có trong các dòng nước tự nhiên. Vì rất nhiều phụ nữ trên khắp thế giới sử dụng thuốc tránh thai, nên đây là vấn đề toàn cầu. Liên minh châu Âu (EU) là tổ chức đầu tiên đặt ra nhiệm vụ loại bỏ ethinyl estradiol (thường gọi là EE2) khỏi nguồn nước. Tuy nhiên, như các nhà nghiên cứu cho biết, việc loại bỏ chất này không hề dễ dàng. Hormone tổng hợp trong thuốc tránh thai gây tác động lớn tới nhiều loài động vật. (Nguồn: Livescience) “Một câu hỏi lớn đặt ra là: chúng ta có sẵn sàng chi trả khoản tiền khổng lồ đó cho xã hội hay không? Hay, theo một cách khác, chúng ta thích sống chung với tác động môi trường đó?”Owen nói. Bình luận trên tạp chí Nature, Owen và Susan Jobling, nhà khoa học nghiên cứu các chất độc trong môi trường ở ĐH Brunel, viết rằng cần có thêm các cuộc thảo luận rộng rãi về sự cần thiết trong việc ban hành quy định liên quan. EE2, một loại hormone tổng hợp, được con người bài tiết qua nước thải, kèm theo một số loại estrogen khác. Sau khi EE2 gia nhập vào môi trường tự nhiên, cơ thể các loài cá và ếch phản ứng với hormone này như thể nó là loại estrogen tự nhiên, nên những con đực bị chuyển đổi giới tính, ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của chúng. Con đực chuyển giới thường sinh ra trứng trong tinh hoàn của chúng. Vẫn chưa rõ EE2 trong nước cho ảnh hưởng tới chu kỳ sinh sản của động vật có vú hay không. Màng lọc từ than củi là phương pháp loại bỏ các chất ô nhiễm như EE2 khỏi nước thải hiệu quả nhất. Các phương pháp khác cũng có thể hiệu quả, nhưng đòi hỏi đầu tư tốn kém, bà Jobling nói. Theo Jobling, chỉ khi vấn đề này được đưa vào chương trình thảo luận chính sách thì xã hội mới không tiếp tục làm biến đổi hệ sinh thái thêm nữa.
Tham khảo: Livescience
|
Theo Đất Việt, Livescience |
Thursday, May 24, 2012
Những người ngủ ngáy kinh niên có nguy cơ tử vong vì bệnh ung thư cao gấp 4,8 lần bình thường, theo một nghiên cứu mới đây.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Y tế cộng đồng Wisconsin (Mỹ), chứng ngủ ngáy có thể làm tăng nguy cơ tử vong vì bệnh ung thư. Cụ thể, những người mắc chứng ngủ ngáy mức độ nhẹ có nguy cơ tử vong vì ung thư chỉ cao hơn 0,1 lần so với những người không mắc chứng ngủ ngáy.
Những người ngủ ngáy kinh niên có nguy cơ tử vong vì bệnh ung thư cao gấp 4,8 lần Kết quả trên thu được sau khi các nhà khoa học phân tích số liệu của các nghiên cứu về giấc ngủ với 1.522 người trong vòng 22 năm qua, để tìm hiểu mối liên quan giữa chứng ngủ ngáy và nguy cơ mắc bệnh ung thư. Những thí nghiệm trên chuột trước đây cũng phát hiện bằng chứng cho thấy tình trạng thiếu ôxy - do chứng ngủ ngáy - có thể là nguyên nhân khiến khối u phát triển. Tiến sĩ Javier Nieto, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết trên Daily Mail: “Những bằng chứng thu được từ các thí nghiệm trên chuột trước đây cho thấy mối liên quan giữa thiếu ôxy và nguy cơ mắc bệnh ung thư. Nghiên cứu của chúng tôi đã lần đầu tiên phát hiện mối quan hệ giữa chứng rối loạn thở trong lúc ngủ (SDB) và nguy cơ tử vong vì ung thư". Theo các nhà khoa học, nếu mối quan hệ giữa SDB và nguy cơ tử vong vì ung thư được xác thực trong những nghiên cứu tiếp theo, việc chẩn đoán và điều trị chứng SDB ở bệnh nhân ung thư có thể sẽ giúp họ kéo dài sự sống. |
Theo Vietnamnet, Dailymail |
Các nhà khoa học Israel tuyên bố đã biến đổi tế bào da của người bệnh thành tế bào cơ tim khỏe mạnh trong phòng thí nghiệm.
Báo cáo trên chuyên san European Heart Journal cho thấy kết quả thí nghiệm ban đầu ở chuột hết sức hứa hẹn, dù ứng dụng điều trị trên thực tế có thể cần nhiều thời gian hơn. Suy tim có nghĩa là tim không bơm đủ máu cho cơ thể như trường hợp tim khỏe mạnh, do các tế bào cơ tim bị hủy hoại. Trong một nghiên cứu mới nhất, nhóm chuyên gia của Israel đã lấy tế bào da của hai bệnh nhân nam bị suy tim, sau đó trộn lẫn những tế bào này với hỗn hợp hóa chất và gene trong phòng thí nghiệm để tạo ra tế bào gốc. Sản phẩm của quá trình trên được biến thành tế bào tương đồng như tế bào cơ tim. Khi cấy vào chuột thí nghiệm, chúng bắt đầu kết nối với các tế bào cơ tim xung quanh. BBC dẫn lời trưởng nhóm Lior Gepstein cho biết, công trình nghiên cứu của ông và đồng sự đã chứng tỏ được rằng có thể dùng tế bào da từ một bệnh nhân già yếu và biến thành tế bào cơ tim "trẻ và khỏe mạnh" giống như thời điểm người này mới chào đời. | |
Theo Thanh Niên, BBC |
Subscribe to:
Posts (Atom)